< Blog Chominh không có nghĩa là chỉ cho riêng mình, nó chỉ là những entry mình viết và sưu tầm cho mình . Rất mong các bạn ghé thăm và chia sẻ >

Thứ Năm, 26 tháng 8, 2010

Chiều mưa

Dựng chiếc xe máy vào góc nhà, để chiếc cặp giáo án lên bàn, Thanh bước đến trước gương đưa tay vén lại mái tóc bị gió lùa loà xoà trước trán cho thành nếp, cô mỉm cười với mình. Dường như không cảm nhận được điều gì từ khuôn mặt phờ phạc trong gương, Thanh cố mỉn cười một lần nữa, nhưng chẳng có gì vui vẻ hơn bởi đôi mắt cứ rười rượi kia. Thở dài đánh thượt, cô quay lại xách giỏ thức ăn chiều xuống bếp và nhớ lời Tiến thường nói: "Mắt em buồn như chiều mưa".



Nghe tiếng động biết mẹ về, hai chị em Tuyết - Tùng đang xem ti vi trên gác vội ào xuống tranh nhau khoe:
- Mẹ ơi! Có thư ba.
Thằng Tùng láu táu chạy chạy lên phòng khách cầm thư xuống.
- Chúng con chưa bóc thư đâu, đợi mẹ về đấy!
Thấy mẹ không tỏ vẻ vui mừng gì, hai đứa nhỏ xìu xuống. Không đành lòng, Thanh cầm thư bóc ra.
- Thư ba gửi cho các con đây, mang lên nhà đọc, còn thư của me, tối mẹ đọc.
Trên nhà vọng xuống tiếng hai đứa trẻ:
- Tùng để chị đọc, cả hai chị em mình cùng nghe!
- Ứ ừ, em đọc trước cơ, chị đọc một tí chị lại khóc nhè, em ứ chịu đâu!

-
Thanh
thở dài, bần thần nghĩ lung bung, nước sôi gần cạn mới nhớ là chưa cho rau vào luộc, nồi thịt kho nghe mùi khét mới giật mình bắc xuống. Bưng mâm cơm lên lại thấy bé Tuyết đang úp mặt vào tường thổn thức. Thằng Tùng đang ngồi so trên ghế vội sà đến bên Thanh nhỏ nhẹ:
- Mẹ ơi! Ba sẽ về đón chúng con sang Tiệp nhưng tết này ba chưa về được.
Thanh gật đầu:
- Chắc ba bận, nếu không ba sẽ về.
Tùng nhào vào lòng Thanh, vòng tay qua cổ mẹ thì thầm:
- Ba viết ở cuối thư là: Các con thơm mẹ cho ba...
Thanh ôm Tùng vào lòng thơm lên má nó.
- Con gọi chị Tuyết dậy ăn cơm...
Hôm sau, Thanh nằm bệt gần như hết ngày. Lần trước cũng vậy, thư Tiến gửi về, sau khi đọc cô thấy người bải hoải, váng vất. Nằm đến xế chiều, sau khi uống ly sữa, cô trở dây đi lại dọn dẹp trong nhà cho khuây khoả. Có tiếng gõ cửa, Tùng chạy ra.
- A! Chào chú Ngọc, sao chú biết mẹ cháu ốm mà đến thăm?
- Thế mới gọi là chú Ngọc chứ, chú thơm cháu một cái nào. Có quà cho các cháu đây: tập truyện tranh này cháu thích không? Còn bộ xếp hình cô tiên là của chị Tuyết.
- Cháu cảm ơn chú Ngọc.
Tùng ôm quà chạy lên gác với chị. Ngọc quay lại, Thanh đang ngồi trên ghế. Mặt cô nhợt nhạt, đôi mắt buồn sâu thẳm nhưng vẫn gợi lại những nét thanh tú, huyền thục trên khuôn mặt.
- Sao đó Thanh?
- Em hơi mệt, sao anh biết mà đến?
- Vừa bước vào nhà nghe cu Tùng hỏi thế nên bịp nó vậy chứ anh có biết gì đâu. Cũng lâu, hôm nay anh mới lại thăm mẹ con em. Tiến có gửi thư về không?
- Hôm qua mới nhận được thư, em buồn quá.
- Anh biết thế nào em cũng nói vậy, thế mà bạn bè rủ đi chơi em có chịu đâu. Đừng tự hành hạ mình như thế, ở bên ấy Tiến tự do chơi bời hết bồ này đến bồ nọ, biền biệt hai ba năm mới về một lần. Đã vậy, cả năm mới viết về nhà có vài lá thư. Anh sợ Tiến không muốn về Việt Nam nữa kìa. Còn em, định làm đá vọng phu thời này chắc?
- Anh nói đúng, thư anh ấy nói sẽ về bán nhà để trả nợ, lấy vốn làm ăn lại từ đầu rồi đón mẹ con em sang ấy...
- Em tin thế à? Vậy lỡ bán nhà xong làm ăn lại thua lỗ, nợ nần thì em nghĩ sao? Lúc ấy liệu Tiến có thể đón mẹ con em sang đó không?
- Em không biết mình có tin nữa không, gần mười năm qua những lời hứa của Tiến với em đã quá nhiều. Có điều, chính em cũng muốn bán nhà này, đổi nhà khác nhỏ hơn để ở, vốn còn lại vợ chồng tìm cách làm ăn ngay tại thành phố này. Chỉ ngại Tiến không chịu về ...
- Tiến sẽ không chịu vì theo cậu ấy phải bán nhà để trả nợ mà. Mấy năm nay Tiến có gửi về cho mẹ con em đồng nào đâu, may còn có tiền cho thuê nhà, nếu không lấy gì sinh sống. Thôi, đừng nói chuyện này nữa, ta đi dạo một lúc cho khuây khoả, em cứ thu mình trong nhà như thế này không được đâu.


Ngọc cầm tay Thanh kéo cô đứng dậy, hơi thở của anh làm mặt cô nóng bừng. Thanh muốn ngã hẳn vào vòng tay của anh, nhưng cô đã gắng rút được tay mình ra khỏi bàn tay đang nắm chặt của anh và ngã ngồi xuống ghế. Không để Ngọc kịp buông lời trách, vừa thở Thanh vừa nói:
- Anh Ngọc, anh là bạn của Tiến, em mong anh hiểu ... Được anh thường đến thăm thế này là mẹ con em đỡ buồn nhiều lắm rồi. Bọn trẻ càng lớn càng không thích mẹ chúng đi chơi với đàn ông. Thấy ai có vẻ áy náy cho hoàn cảnh của mẹ khi nhắc đến ba là chúng tỏ vẻ khó chịu, như vậy là nói xấu ba của chúng. Còn em bây giờ như người vô cảm, chẳng muốn định đoạt cái gì. Tuy vậy em vẫn phải mong và hy vọng Tiến sẽ về...


Thanh lật quyển sổ trên bàn đưa cho Ngọc lá thư đang viết dở, nhoè nước mắt của con Tuyết gửi ba nó: "Ba ơi! Bầu trời thật là mênh mông nhưng ở đâu cũng có, còn ba của con thì chỉ có một mà thôi. Hàng trăm phép nhiệm màu của các bà tiên cũng không làm sao đếm hết được nỗi nhớ và tình thương của chúng con với ba đâu. Tại sao ba không về với mẹ và chúng con như ba của các bạn hở ba?..." Ngọc nhìn sâu vào mắt Thanh:
-Anh hiểu! Rất hiểu! Song dù vậy, anh vẫn thấy hy vọng của em thật mong manh ...
Sau khi cánh cửa khép lại, còn lại một mình, Thanh ngồi lặng trong nỗi suy tư không dứt. Cô nhìn lại khắp lượt trong nhà: cũng xe máy, tivi màu, máy catset, tủ lạnh, máy giặt ... Đâu đến nỗi nào! Và hơn tất cả là có ba mẹ conï Thanh đang sống. Vậy mà Tiến lại cho rằng giờ đây anh chỉ còn "cái nhà rỗng tuyếch cần phải bán". Phải chăng đó là lý do cuối cùng để anh cắt luôn sợi dây ràng buộc hờ hững của anh với gia đình hiện nay? Vậy mà trong thư Tiến còn viết: "... Chẳng lẽ, một người vì miếng cơm manh áo cho gia đình, phải sống tha phương nơi xứ người như anh lại mất quyền được nhận tiếng gọi "Ba" của các con mình hay sao?...". Cô rất muốn tin đó là nguyện vọng thiết tha của anh cũng như muốn được chia sẻ với anh những khó khăn thua lỗ trong việc làm ăn buôn bán ở bên ấy như anh vẫn thường nói. Còn những đồn đại khác về Tiến từ bạn bè thì sao? Cô không muốn nghe và không muốn tin. Làm sao cô có thể quên những năm tháng đã từng sống bên anh, được anh yêu thương, chăm sóc. Nhưng tất cả những điều muốn và không muốn ấy chỉ là theo ước vọng của cô, còn sự thật làm sao có thể biết chắc chắn khi cô đang ở cách xa Tiến một phần tư trái đất... Trời ơi! Nếu như ngày ấy cô đừng quá giản đơn cho rằng hạnh phúc và giàu có là một thì giờ đây cô đâu phải đau khổ, day dứt...


Thanh đến bên cửa sổ. Trời đang mưa sụt sùi. Phố xá vắng vẻ, chỉ có hàng cây bên đường đang lặng lẽ đầm mình dưới mưa. Những chiếc lá bàng như những bàn tay xoè ra đón những hạt mưa li ti, rồi rả ríc thả xuống vạt nước đọng dưới gốc cây. Những bong bóng nước trong veo lừ lừ đuổi nhau hết lớp này đến lớp khác, để sau đó chỉ trong tít tắc tất cả đều tan ra thành nước ... Thanh cứ nhìn xoáy vào những bong bóng nước ấy và chợt nghĩ: chẳng lẽ hạnh phúc mà cô và Tiến hằng mơ tưởng, đuổi bắt cũng chỉ là những bong bóng giọt mưa kia thôi sao? Tim Thanh lại nhói lên bởi câu hỏi của con Tuyết trong lá thư viết dở: "Tại sao ba không về với mẹ và chúng con ...

". Cũng đã lâu, cô thường không trả lời mỗi lần nhận thư Tiến, cô muốn phó mặc buông xuôi tất cả. Nhưng giờ đây, vì các con của mình cô sẽ lại viết thư gọi ba của chúnh trở về dù biết đó là một hy vọng mong manh. Thanh quay vào bàn lấy giấy bút ra, một ý nghĩ chợt đến: Thật lạ! Những bong bóng nước vô tình kia lại đem đến cho mình một ý nghĩ sâu sa... , hơn thế nữa cô vẫn tin Tiến sẽ trở về.

Đôi mắt "buồn như chiều mưa" của Thanh chảy dài những giọt lệ như muốn cùng tuôn chảy với muôn ngàn hạt mưa đang xối xả trong cơn mưa chiều nay.


Nha Trang- 1997


Thứ Năm, 19 tháng 8, 2010

Lắng



Găp nhau rồi chia tay.
Người về, em ở lại.
Lệ lặn sâu đáy mắt
Nói thay lời rưng rưng.

Ôi! Tri ân cuộc đời.
Phút giây này hội ngộ,
Cô thày và bè bạn,
Tóc bạc gần như nhau.

Chỉ mấy ngày ngắn ngủi,
Ta nối lại vuông tròn
Đất trời thêm rộng mở
Suốt dặm dài tháng năm.

Nắng ấm mừng gặp gỡ,
Chia tay mưa ngậm ngùi
Lắng sâu vào nỗi nhớ
Về miền ký ức xưa.


MH - 20/8/2010

TẢNG BĂNG CHÌM


Theo lời hẹn, khoảng 2 giờ chiều ngày 10/8/2010, tôi ra khỏi nhà. Ghé qua cửa hàng, tôi mua một ít bánh kẹo rồi đến thẳng Câu lạc bộ Hoa Biển. Đang họp với Ban quản lý dự án trung ương (nơi quản lý trực tiếp CLB Hoa Biển) ở trên tầng ba, nghe báo tôi tới, chị Phúc – chủ nhiệm Câu lạc Bộ vội vã xuống ngay. Vẫn dáng vẻ điềm đạm, chị vui vẻ gật đầu chào tôi rồi mang ra một xấp phong bì đã có đánh tên của các bé theo danh sách chị đã gửi cho tôi mấy hôm trước. Tôi lấy tiền ra và hai chị em bỏ vào phong bì. Chúng tôi chuẩn bị đón các cháu bị nhiễm HIV có hoàn cảnh khó khăn đang sống tại thành phố Nha Trang.


Chuẩn bị vào năm học mới, chúng tôi rất quan tâm về việc đến trường của các cháu nhỏ đang bị nhiễm HIV, những nạn nhân đặc biệt của đại dịch HIV/AIDS (vì bị lây nhiễm từ bố mẹ và còn rất nhỏ). Các cháu sẽ đến lớp như thế nào, sinh hoạt, học tập ra sao, có bị kỳ thị, xa lánh không, …? Những câu hỏi đó dường như không có câu trả lời rõ ràng mà tùy thuộc vào từng hoàn cảnh cụ thể. Tuy vậy, việc chúng tôi có thể làm được là giúp các cháu một phần quà rất nhỏ (từ nguồn hỗ trợ của Chương trình 1044) để hỗ trợ các cháu mua sách vở, áo quần vào năm học mới. Lần này chúng tôi mời 8 cháu, trong đó có 5 cháu có kết quả xét nghiệm dương tính.

Đến giờ hẹn, các cháu lần lượt được gia đình đưa tới. Nhìn các cháu ngây thơ, hồn nhiên, và rất lễ phép, lòng chúng tôi thắt nghẹn. Các cháu sẽ còn được sống bao lâu nữa, sẽ được đến trường bao lâu nữa? không thể trả lời một cách chính xác. Chỉ biết rằng, với sự nỗ lực của gia đình, của xã hội và tác dụng hỗ trợ của thuốc kháng virut, hy vọng sự sống của các cháu sẽ được cải thiện, được duy trì lâu hơn. Dù vậy, chúng tôi vẫn rất ái ngại với hoàn cảnh hiện tại của các cháu. Mỗi cháu một hoàn cảnh, nhưng chung quy lại vẫn là các cháu đang mang trong mình một căn bệnh mà ai nghe đến cũng đều kinh hoàng, hoặc mất cha, hoặc mất mẹ, hoặc còn cha mẹ nhưng đều đang bị nhiễm HIV, sức khỏe yếu, không có việc làm, phải sống dựa vào ông bà nội, ngoại. Có cháu còn bị bán thân bất toại. Đăc biệt, hai cháu Nguyễn Thị Trâm và Nguyễn Thị Trúc Quỳnh mẹ mới bị chết do bệnh AIDS, không nhà cửa, phải sống với cha trên bãi rác thành phố, cả 2 bé chưa được đến trường vì cha cháu không có tiền. Hiện nay chị Phúc đã thuyết phục cha cháu tạm đưa các cháu về ở với ông bà, và đang vận động tài trợ để đưa các cháu đến trường.

Nhìn cháu Thảo Vi rất xinh xắn, trắng trẻo nhưng hơi gầy trong bộ váy màu hồng, năm nay vào học lớp 3, là cháu lớn nhất trong 8 cháu, tôi hỏi về chuyện nhà trường, cô giáo và bạn bè có đối xử bình đẳng với cháu không, thì được mẹ cháu cho biết: Nhà trường không biết cháu bị nhiếm HIV. Hôm trước cháu chạy nhảy ở sân trường bị ngã, chảy máu ở đầu gối, cháu đã biết lấy bông băng cá nhân mẹ chuẩn bị cho để tự lau vết thương cho mình. Mẹ cháu rất sợ con mình vô tình lây nhiễm cho cô giáo và các bạn, nhưng không dám nói thật về bệnh của cháu. Khi hỏi đến các cháu khác cũng vậy, nhà trường đều không biết các cháu bị nhiễm HIV, nếu biết chắc chắn các cháu không được nhận vào học. Chúng tôi cũng chưa biết sẽ giúp hai cháu Trâm và Quỳnh được đi học như thế nào nếu kết quả xét nghiệm của các cháu dương tính. Vì bà xơ ở trường mẫu giáo tư thục chỉ đồng ý nhận cháu học miễn phí nếu các cháu có kết quả xét nghiệm âm tính.

Trong khi chúng tôi và gia đình các cháu nói chuyện với nhau về những khó khăn trong cuộc sống hiện nay của họ, thì các cháu vui vẻ ăn bánh một cách ngon lành, các cháu còn quá nhỏ, làm sao có thể hiểu được gánh nặng cuộc đời các cháu đang đè lên vai ông bà, là những người đã hết tuổi lao động, vì bố mẹ các cháu đã qua đời hoặc vì bệnh mà không lo nổi cho cuộc sống của chính mình. Khi bé Nhã mới đến, nghe bà nội cháu nói cháu đang ho, tôi sờ trán thì thấy cháu hơi hâm hấp. Tôi hỏi đã cho cháu uống thuốc chưa, bà nói mới cho đi bác sĩ khám và đã uống thuốc. Ông bà nội Nhã phân công nhau, bà lo việc khám, cho uống thuốc những khi cháu bệnh, còn ông nội thì cho cháu uống thuốc kháng virut hàng ngày. Việc uống thuốc kháng virut phải thực hiện đúng giờ và đều đặn, thường xuyên liên tục. Thế mà ông nội cháu lại bị bệnh thần kinh, khi có gì tức giận là quên hết mọi thứ. Vậy nhưng cũng may là ông chưa quên việc cho cháu uống thuốc bao giờ. Chúng tôi không khỏi ái ngại. Ai có thể dám chắc là ông sẽ không quên trong những ngày tháng tiếp theo. Ông bà nội cháu sẽ ngày một già. Mẹ cháu đã chết vì AIDS, cha thì đang ở tù…

Dù luật pháp đã quy định không được kỳ thị với người nhiễm HIV, nhưng thực tế thì như vậy. Chúng tôi cũng chưa biết sẽ giúp cho các cháu và gia đình như thế nào để các cháu được xã hội quan tâm chia sẻ mà không phải dấu mình như hiện nay. Nếu không được gặp các cháu và bố mẹ các cháu ở đây, hẳn tôi cũng như mọi người đều không biết họ đang bị HIV. Nghe mợ của bé Thanh Đức kể lại: một hôm bé bị té, giập trán xuống sàn nhà, máu chảy đầy mặt, gia đình sợ quá, vội mang đến bệnh viện cấp cứu. Khi băng bó, sát trùng cầm máu, thấy bé dễ thương, kháu khỉnh quá, cô y tá đã nựng nịu và định thơm lên má cháu, mợ cháu sợ quá vội la lên: “ Kìa cô, mặt cháu đang dính đầy máu …”.
Cô y tá dừng lại cười, chỉ béo nhẹ vào má bé. Còn cậu mợ bé thì thở phào. Bản thân những người bị HIV khác, cũng như những người thân trong gia đình của họ đều có ý thức không muốn để lây lan bệnh cho cộng đồng. Nhưng vì sợ bị kỳ thị, phải dấu mình nên họ rất khó chủ động xừ lý khi có những tình huống bất ngờ có thể để lại hậu quả lây nhiễm cho cộng đồng.

Chia tay các cháu, chào chị Phúc và chị Mười, tôi ra về. Nhớ lại buổi tập huấn đầu tiên về HIV/AIDS (hồi đó còn gọi là SIDA) cách đây gần hai mươi năm, tôi thật sự giật mình về hiệu ứng TẢNG BĂNG CHÌM của căn bệnh này. Nếu nhà nước chỉ hô hào là không được kỳ thị với người nhiễm HIV mà không có những chính sách đặc biệt, phù hợp thì dù đã được quy định bằng văn bản pháp luật, việc khả thi rất hạn chế và thiếu hiệu quả. Không chỉ ở việc bảo vệ cộng đồng, ngăn chặn lây nhiễm mà cả việc nhận sự hỗ trợ, giúp đỡ của cộng đồng đối với người bệnh cũng rất khó khăn. Vì chính bản thân người bệnh còn phải dấu mình, làm sao nhận được sự chia sẻ của cộng đồng?

Ghi lại, ngày 19/8/2010


Thứ Hai, 16 tháng 8, 2010

Hồng Nhung

Ông đi dọc theo bờ biển, ngược chiều gió. Mái tóc hoa râm bay loà xoà xuống trán. Áo sơ mi mỏng dán lên khuôn ngực còn nở nang vạm vỡ. Bầu trời xám xịt, ngoài khơi vẫn mịt mù, gió bắc thổi từng cơn. Sóng biển ào lên tung bọt trắng, liếm vào bờ xoá đi dấu chân ông vừa để lại trên cát. Hình như ông chẳng để ý gì đến sự hoang dã của biển cũng như sự hiện diện đơn độc của mình trên bờ biển chiều nay. Nhưng kia, phía trước nơi kè đá, lại vẫn cô gái trẻ tóc cắt ngắn như con trai đang đứng nhìn hút ra tít ngoai khơi. Dáng đứng bất động. Sự chờ đợi của cô gái khiến ông phải chú ý. Cô xuất hiện như thế đã ba buổi chiều liên tiếp. Ông không biết cô có hẹn với ai, chỉ thấy hôm nào cô cũng lặng lẽ quay về một mình với dáng vẻ buồn buồn xa vắng.

Vượt lên phía bờ cao, ông ngồi vào chiếc ghế đá dưới dặng dừa, nhìn ra mặt biển đục ngầu và thả hồn mình theo dòng suy tư không dứt. Những ý nghĩ miên man đã trở thành điệp khúc lại rạch vào trí não ông, khắc sâu thêm những nỗi đau đời trong ông. Hơn hai mươi năm binh nghiệp, bom đạn như chê xương thịt của ông, chẳng thèm đếm xỉa đến. Mặc dù vậy, ông đã chịu đựng gian khổ lăn lóc vật lộn nơi chiến trường, đổ biết bao mồ hôi, sức lực và hiến cả quãng đời trai trẻ vào chiến tranh. Đất nước thanh bình, ông chuyển ngành làm giám đốc một công ty dịch vụ sản xuất nông nghiệp. Ông vốn là người không ham hố, tham vọng, chỉ chân chất cống hiến cho lý tưởng mà mình đã chọn. Vậy mà, năm mươi tám tuổi ông phải về hưu, mất hết cả danh dự, sự nghiệp. Ông không ngờ cuộc đời lại bạc với mình như vậy. Trống trải, buồn tẻ, ông chuyển đến đây sống một mình, chiều chiều ra biển ngồi suy ngẫm chuyện đời…

Lác đác vài giọt mưa, ông đứng dậy ra về, lúc này mới nhận ra trời đã tối. Nhưng lạ quá nơi kè đá, cô gái cũng từ từ bước xuống bờ cát rồi lướt đi như bay ra phía mặt biển đang có từng đợt sóng xô nhau ập vào bờ. Thoáng đã thấy cô cách bờ hơn chục thước. Hình như cô không biết bơi. Ông biết biển ở đây dốc lắm, chỉ một sải tay nữa cô gái sẽ chìm. Ông chỉ kịp bứt tung chiếc áo khoác vứt trên bờ, tụt dày nhảy ào xuống nước. Lôi được cô gái vào bờ, ông vừa thở vừa la lối: “ Cô có điên không, ai lại đi tắm biển như thế, hay muốn chết hả? …” . Cô gái run lập cập nhìn ông với đôi mắt vô hồn rồi ngã người đi ngất lịm. Ông luống cuống nhìn xung quanh định gọi người cấp cứu, nhưng bờ biển đã bị bóng tối bao trùm, tịnh không một bóng người, mưa bắt đầu nặng hạt. Với chiếc áo khoác quấn vào người cô gái, ông ôm xốc cô chạy về nhà…

Cô gái tỉnh lại, ông mừng quá, miệng cứ lẩm bẩm: “Thật là dại dột, tại sao cháu làm thế ?”. Cô gái nhìn quanh, ngồi bật dậy, hất chiếc chăn mỏng sang một bên. Mùi dầu nóng nồng nặc, cô nhìn xuống thốt bật cười vì mình đang lọt thỏm trong bộ quần áo đàn ông. Thấy cô cười, ông bỗng nổi giận. Tính ông vốn thế, nóng nảy, chẳng để gì trong bụng cả: “Cơm áo bố mẹ nuôi cô lớn để cô đền đáp như vậy hả, cô tưởng cứ chết là hết chứ gì? Bây giờ cô có còn muốn chết nữa không để tôi lại đem cô vứt ra biển …”. Thoạt đầu cô gái im lặng nhìn ông, nghe ông nói, trên khoé miệng còn đọng lại nụ cười, nhưng rồi bỗng cô oà khóc nức nở: “Cháu không bao giờ muốn chết, cảm ơn bác đã cứu cháu thoát khỏi bàn tay của thần biển hôm nay”. Ông dịu lại: “Thế thì tại sao?” . “Cháu nhìn thấy mẹ cháu đang gọi cháu ở ngoài khơi”. Ông nhìn lại cô gái, cố tìm một dấu hiệu nhỏ của người tâm thần, nhưng không, trước mặt ông là cô gái tuổi mười tám, mười chín, nét mặt thanh tú, mắt sáng long lanh ngấn lệ. Cô vẫn đang thổn thức, giọng nói chìm trong tiếng nấc. “Mẹ cháu mất lúc cháu năm tuổi. Trong ký ức của cháu, mẹ thật đẹp, hiền dịu biết nhường nào. Cháu nhớ mãi buổi chiều ấy, mẹ gấp nhiều đồ chơi bằng giấy, trong đó có một chiếc thuyền thật to cho cháu. Mẹ hôn cháu nhiều lắm và đưa cho cháu mảnh giấy và dặn: “Cha về đưa cho cha, mẹ ra suối tắm”. Mải mê với đồ chơi mới, chập tối cha về hỏi cháu mới ngẩn ra. Đọc xong mảnh giấy, ông chạy bổ ra suối tìm nhưng chỉ có chiếc chậu đựng mấy bộ quần áo của cháu đã được giặt sạch để trên bờ. Nước suối trong vắt, chảy xiết … Ai cũng nghĩ mẹ cháu bị chết đuối mất xác. Riêng cháu, sau này lớn lên cháu biết, mẹ không phải chết đuối. Mảnh giấy bà để lại cháu nghĩ là những dòng tuyệt mệnh. Cháu chẳng biết bà viết gì mà ngay sau khi đọc, cha cháu nhai và nuốt luôn. Ngoài hai cha con, không ai biết chuyện này. Cháu đến tuổi đi học thì hết chiến tranh. Cha cháu đưa về đây sống và nói là quê nội, nhưng họ hàng thân thích chẳng còn ai … ngày giỗ mẹ gần đây nhất, cha cháu đã khóc và nói: “ Cha có lỗi lớn với mẹ con và đã không được bà tha thứ, khi cha ân hận thì đã quá muộn. Mọi cố gắng của cha nuôi con ăn học, không nghĩ đến cuộc sống của riêng mình là để chuộc lại lỗi lầm, mong sao mẹ con nơi chín suối bớt phần tủi phận …” . Sau đó, ông lâm bệnh và qua đời. Điều an ủi lớn nhất với cháu là trước khi chết, ông còn kịp biết cháu thi đậu đại học Tổng hợp Hà Nội”.

Ngoài trời mưa càng nặng hạt, tiếng giọt mái hiên chảy lạch tạch mau dần. Tiếng sóng biển ầm ào vọng vào nhà cùng tiếng gió hú ù ù. Ông thoáng nghĩ đến người vợ quá cố của mình. Ông cũng có lỗi với bà nhiều lắm, nhưng bà đối với ông thật nhân hậu. Thấy ông đăm chiêu, giọng cô gái nhỏ lại: “Bác có tin người chết chỉ có thể xác tiêu tan còn phần hồn mãi mãi tồn tại không? Hồn người chết không phải ai cũng gặp được mà chỉ những người thân yêu nhất mà thôi. Cháu tin thế vì luôn thấy mẹ về trong những giấc mơ. Mẹ cháu mất không tìm thấy xác, cháu cứ nghĩ: Trăm suối đổ về sông, trăm sông đổ về biển, thế nào mẹ cháu cũng đang ở đâu đó dưới lòng biển sâu thẳm. Sắp đến ngày cháu tựu trường bước vào đời sinh viên, trước lúc đi xa cháu muốn được gặp mẹ trên bờ biển quê hương. Mấy hôm nay, chiều náo cháu cũng đứng đó nhìn ra xa khơi thầm gọi mẹ. Thật là kỳ diệu, tối nay lúc những hạt mưa lất phất rắc sao trên mặt biển, cháu đã thấy mẹ trong ánh hào quang lung linh đang giơ tay đón cháu. Nhưng một con sóng dữ dằn đã lại dìm cả hai mẹ con cháu. Nếu không có bác thì …” .

Ông nhìn đăm đăm vào mắt cô gái như xác định một điều gì đó. Nào ai có thể nghĩ, với gương mặt còn quá trẻ của cô, trong tâm hồn lại có những ý nghĩ thật lạ lùng, thật thiêng liêng như thế. Ông đã từng nghe nhiều chuyện ma quỷ thần thánh chẳng bao giờ ông tin và nghĩ đó là chuyện tầm phào, bỡn cợt. Vậy mà chuyện xảy ra hôm nay của cô gái khiến lòng ông rưng rưng. Không biết có sóng từ trường nào thu nhận được khoảng khắc gặp nhau của hai mẹ con cô tối hôm nay không, chứ ông thì tin chắc chắn trong tâm não của cô đã phát ra luồng thăng hoa đó …

***

Ông nằm trên giường, tay run run bóc phong thư người ta vừa chuyển tới. Một bức điện tín: “Sinh nhật ba con về - Con: Hồng Nhung.” Ông thấy người nhẹ bỗng như trút hẳn được cơn bệnh đang hành ông mấy ngày nay. Ông nghĩ: “Thế là nó không giận mình, nó sẽ về. Nó không nhắc, mình chẳng nhớ đến sinh nhật”. Kể từ buổi tối trên bãi biển hôm ấy, thấm thoát đã năm năm. Hồng Nhung luôn đem đến cho ông những bất ngờ lý thú. Dù đi học xa, năm nào cô cũng về hai lần vào dịp tết và dịp hè trùng với ngày giỗ cha. Lần nào về cô cũng đến ở với ông, dành nhiều thời gian cho ông, cùng ông đi dạo hoặc đến thư viện. Ở trường, Hồng Nhung thường gửi thư cùng truyện hay về, đọc nhiều ông càng thấm thía sự đời. Ngày mãn tang cha, Hồng Nhung xà vào lòng ông: “Con muốn được là con gái của ba …”. Ông thật sự xúc động, một người đang tuổi xế bóng, lẻ loi như ông, đó quả là hạnh phúc trời cho. Tâm hồn ông được xoa dịu, bớt đi nỗi cô đơn. Ông thầm cảm ơn cuộc đời còn thương ông. Hồng Nhung là cô gái nhảy cảm, tế nhị. Hình như cô luôn đọc được nỗi buồn của ông và biết cách làm cho ông khuây khoả. Phải chăng cuộc sống bên người cha khổ hạnh đã tạo nên nét đẹp tinh tuý đó trong cô. Bởi vậy, tình cảm ông dành cho cô không chỉ là tình cha con mà còn là tình bạn tâm giao. Ông đã từng nghĩ, Hồng Nhung là bông hoa hạnh phúc mà cuộc đời trả lại cho ông theo đạo lý ở hiền gặp lành. Vậy mà, sau chuyện xảy ra cách đây nửa năm, Hồng Nhung không có thư về. Dạo đó, khi cô tốt nghiệp, ông lặn lội đến một số công ty có người quen để xin việc cho cô, nhưng đến nơi nào họ cũng hẹn ông “Để xem xét”. Ông đang buồn thì Hồng Nhung lại nói ý định của mình: “Con muốn vào thành phố Hồ Chí Minh vì trong ấy có nhiều cơ hội xin việc hơn. Con tin vào vốn ngoại ngữ của mình. Điều quan trọng nhất là con cần tìm một người thân trong ấy. Về chuyện ba xin việc cho con qua người quen mà không có điều kiện gì, con nghĩ khó được lắm. Ở đời chẳng có gì cho không đâu ba. Bạn bè của ba ngoài mấy bác đã nghỉ hưu thỉnh thoảng đến chơi, con có thấy ai nữa đâu …” . Ông bỗng tức giận, gằn giọng cắt ngang lời cô: “Thôi! Đừng nói nữa”, rồi ông bỏ lên giường nằm thở hắt ra. Hồng Nhung đã chạm vào điều bấy lâu nay đang âm ỉ, đau đáu trong ông. Vừa hơi tự ái cho rằng Hồng Nhung dạy khôn mình, ông vừa chạnh lòng vì cuối cùng thì cô cũng bỏ ông mà đi. Vậy là ông làm mặt giận cô hai ngày, cô chỉ im lặng buồn buồn rồi xin phép ông đáp tàu vào thành phố Hồ Chí Minh. Cô để lại cho ông vài dòng: “… Con thành tâm xin lỗi ba vì đã làm ba buồn. Nhưng điều con nói là từ chính nỗi đau của mình. Cha con vì quá say sưa với con đường tiến thân thuận lợi của mình, đã chẳng chút lưu tâm đến mối đe doạ hạnh phúc gia đình mà mẹ con đã đôi lần than thở. Khi mẹ con mãi mãi không về, ông mới thực sự thấu hiểu vì sao lão giám đốc Nông trường lại “tốt” với mình như vậy …”

Hồng Nhung đi rồi, ông có cảm giác mất mát như khi đứa con trai của ông bỏ nhà đi biệt. Ông chưa kịp hỏi người thân cô cần tìm trong đó là ai nhưng cứ nghĩ đến ông lại thấy buồn. Có thể cô sẽ không về nữa. Trước đây ông thường nghĩ đến những thua thiệt về công danh sự nghiệp, bây giờ ông mới thấm thía nỗi cô đơn của mình. Khi còn sống, vợ ông thường nhìn ông thở dài: “Không biết đến bao giờ ba nó mới có chút ít thời gian để chăm sóc gia đình”. Đối với bà, cái “bao giờ” ấy mãi mãi chỉ là sự mong mỏi vì bà bị bệnh tim đã sớm về cõi vĩnh hằng. Hồi ấy, ông còn mãi mê với công việc của công ty. Nhưng rồi công ty làm ăn thua lỗ, buộc phải giải thể. Ông bị quy là thiếu trách nhiệm, để bộ máy lãnh đạo công ty lũng đoạn. Ông im lặng chấp nhận vì nghĩ, đó là cái giá phải trả cho sự ấu trĩ, quá tin người của mình. Đúng lúc này, giữa ông và đứa con trai độc nhất của mình thường xảy ra xung đột. Nó đã đến tuổi trưởng thành, học xong đại học bách khoa, chưa xin được việc làm. Tệ hại nhất là nó nói ông thoát ly cuộc sống gia đình, là người cha ích kỷ … Giận quá, ông đòi từ mặt nó. Thế là, nó theo bạn vào thành phố Hồ Chí Minh làm ăn và tuyên bố sẽ tự lập, không cần thừa hưởng bất cứ cái gì của ông. Thực ra ông cũng không có cái gì để nó thừa hưởng, ngoài quãng đời cống hiến cho hai cuộc kháng chiến của đất nước. Năm ngoái, ông hỏi thăm biết nó đang làm thợ sửa chữa điện tử ở Quận ba nhưng không rõ địa chỉ cụ thể. Ông có ý định đi tìm con, ngặt nỗi cứ đau bệnh hoài. Nhớ lại có lần Hồng Nhung tâm sự : “Cha con nói: Trong muôn vạn nỗi bất hạnh nhân gian thì nỗi bất hạnh không có gia đình là lớn nhất”, ông càng xót xa cho tuổi già hưu quạnh của mình … .

Đến bên đốc lịch, ông dò tìm. Hôm nay là thứ bảy, ngày hai ba tháng mười một. Ngày mai ông tròn sáu mươi lăm tuổi. Đã ba phần tư cuộc đời, mà cũng có thể là một đời. Nếu ông gặp lại được con trai, dù nó có còn giận ông, còn trách cứ ông… dù thế nào ông cũng mãn nguyện ….
Có tiếng chuông ngoài cổng, ông gượng dậy nhìn ra: “Nó về rồi, nhanh quá!”. Có một thanh niên về cùng Hồng Nhung. Cổng vừa mở, cô lao vào ôm chặt lấy ông, rồi buông ra lùi lại hai bước chân. Mặt cô tươi rói nhìn ông rồi đưa mắt về người thanh niên:
- Ba! Ba có nghĩ hôm nay mình có niềm vui bất ngờ không?
Ông sững sờ.
- Trời ! Thằng Phúc! Thằng Phúc!…
Phúc bước tới gục vào vai ông.
- Ba! Chính con cũng thực sự bất ngờ. Hồng Nhung chỉ nói sẽ đưa con về thăm ba nuôi của mình.
Ông choàng tay kéo Hồng Nhung lại, ôm chặt hai người vào ngực mình. Mái đầu bạc trắng của ông cúi xuống phủ lên hai mái đầu xanh, họ dìu ông vào nhà, đỡ ông nằm xuống. Ông nắm chặt tay con trai mình ngẹn ngào.
- Ôi! Hồng Nhung! Hồng Nhung!…
Nước mắt ông thành dòng, chảy dài xuống gối.

Nha Trang
28/02/1997

Thứ Ba, 3 tháng 8, 2010

Cha và dì


Theo hướng chỉ của một bà cụ, tôi rẽ vào ngõ có hàng rào tóc tiên. Những nụ hoa dài nhỏ như lũ chuồn chuồn ớt đậu rải rác dọc bờ rào trông thật vui mắt. Cổng nhà không đóng, tôi se sẽ dắt xe vào và dừng lại bên ngoài. Sâu trong sân, bên mấy khóm nhài, một người đàn bà chừng bốn bảy, bốn tám tuổi đang mải miết hái những bông hoa nhỏ xíu, trắng muốt bỏ vào chiếc ly thuỷ tinh. Mặt trời buổi sáng lách qua giàn thiên lý, buông mấy chùm hoa nắng nhảy nhót trên sân.


Người đàn bà không biết có người lạ, vẫn tiếp tục vén lá tìm những bông hoa bị che khuất. Không gian yên tĩnh mà sống động. Hương thơm của hoa lá còn hơi sương thật dễ chịu. Trạng thái căng thẳng của tôi trước lúc đến đây chùng hẳn xuống. Tôi ngờ ngợ, người đàn bà này mình đã gặp ở đâu? Đúng rồi! Hoa nhài ...

Khi cha tôi bệnh nặng đang nằm viện, có một thiếu phụ đã đến thăm cha. Tôi bước vào phòng chỉ kịp nghe cô ấy nói "Em về". Thấy tôi, cô gật đầu chào và vội vã đi ra. Tôi đến cạnh cha, thấy trên kệ tủ nhỏ đựng đồ có mấy chùm hoa nhài còn tươi nguyên lá, cắm trong chiếc bình nhỏ xíu, trong suốt, chỉ có ở phòng thí nghiệm hoặc phòng pha chế hoá chất. Bình hoa nhỏ nhắn, ngộ nghĩnh thật dễ thương. Hình như cha tôi đang mơ màng hít sâu hương thơm thoảng dịu của hoa. "Ai vậy cha?" Ông giật mình, "À, cô ấy cùng cơ quan với cha trước đây". Lúc ấy tôi còn nhỏ, chẳng biết gì ...

Vậy là thiếu nữ có đôi mắt lá răm đang nhìn như thôi miên vào chùm hoa nhài trong tấm ảnh mà tôi đang giữ, người thiếu phụ với những bông hoa nhài đến thăm cha tôi ngày ấy và người đàn bà đang lặng lẽ hái hoa nhài trong sân kia là một. Người ấy đã từng đi qua cuộc đời của cha tôi. Nhưng hoa nhài có duyên nợ gì với bà nhỉ? Đó chỉ là sự trùng lặp tình cờ hay còn một lý do nào khác? Ý nghĩ bất chợt ấy khiến tôi có dự cảm cuộc gặp gỡ với bà không chỉ dừng lại ở ý định lúc đầu. Tôi cất tiếng chào cũng dễ dàng, không đến nỗi nặng nề như tưởng tượng khi ở nhà.
- Chào dì ạ!
Bà nhìn lên, nét mặt bỗng thảng thốt. Mãi mới thấy bà trả lời.
- Vâng ! chào ...
- Con là con gái của cha ...
Bà giơ hai tay ôm hai bên thái dương, thốt lên.
- Ôi! Thảo nào, chúng nó giống nhau quá ...
Rồi như chợt tỉnh bà nói :
- Ta vào nhà đi con!
Căn nhà thật gọn gàng, sạch sẽ. Mọi thứ bàn ghế, giường tủ đều đóng đơn giản, được sắp xếp hợp lý nên căn nhà tuy nhỏ nhưng không thấy chật chội. Tôi nhìn khắp một lượt, chợt dừng mắt ở góc nhà bên phải, cạnh cửa sổ nhìn ra vườn, trên chiếc bàn nhỏ, bên chồng sách xếp ngay ngắn là ảnh một cô gái. Thoạt nhìn, tôi cũng phải thừa nhận: "Giống mình thật". Dì đưa tận tay tôi ly nước.
- Con uống đi, trà hoa nhài thơm lắm ...
- Tôi đón ly nước, lặng lẽ nhấp từng ngụm nhỏ. Dì lau lau chiếc khăn lên mấy chỗ nước ướt, mắt nhìn xuống chờ đợi. Búi tóc còn dày dặn ôm gọn sau gáy, trông dì thật phúc hậu. Chắc lúc còn trẻ bà có duyên lắm. Tôi nghĩ đến cha, "Không trách, ông đã yêu bà". Tôi lấy trong túi ra một tấm ảnh:
- Trước lúc qua đời, mẹ con dặn lại: Con tìm gặp người trong ảnh, đưa lại cho cô ấy tấm ảnh này và xin cho em nó được về nhận cha trước bàn thờ ông ấy. Trước khi mất, cha con đã đưa cho mẹ tấm ảnh cùng địa chỉ cô ấy. Ông nói có một câu "Cô ấy chỉ có hai mẹ con". Đọc những dòng chữ cha con viết sau tấm ảnh, mẹ hiểu cha con muốn nói gì với mẹ. Nhưng rồi mẹ cứ lần lữa mãi không làm nổi điều đó ...
Dì run run đón tấm ảnh từ tay tôi. Thời gian làm nước ảnh ngả màu, mấy câu thơ cha tôi chép của một nhà thơ nào đó ở mặt sau cũng đã nhạt nhoà màu mực, tôi đã cố đọc và thuộc lòng:
 Trái tim ta cỗi cằn đá sỏi

Chợt trào lên như có bão trong lòng
Ôi! Tình lặng, tóc tơ còn vương vấn
Xa nhau rồi, ai nhớ đến  ai chăng?...

Dưới mấy câu thơ đó ông còn ghi: "Ta mãi mãi có lỗi với em". Áp tấm ảnh lên ngực, dì lẩm bẩm nói với tôi nhưng thực ra là nói với riêng mình :
- Cha con không có lỗi với dì !
Tôi không hiểu được, vì sao thế nhỉ? Chính mẹ tôi cũng nói với tôi: "Cha con không có lỗi nhiều với mẹ". Từ khi biết chuyện của cha, dù rất yêu kính cha, tôi vẫn cho rằng cha có lỗi nhiều với mẹ tôi và dì. Như đọc được suy nghĩ của tôi, dì nói tiếp :
- Nếu con biết, dì đã từng yêu cha con đến mức nào, đã đau đớn đoạn tuyệt mọi ràng buộc với ông như thế nào, con sẽ hiểu. Giữa dì và cha con, không ai là người có lỗi. Nhưng dì hiểu rõ, chính tình yêu cuồng nhiệt, cháy bỏng của tuổi trẻ nơi dì ngày ấy đã làm cha con lỗi đạo. Do vậy dì đã cắt lòng chịu đựng vì tình yêu của mình. Đó là sự thật hơn hai mươi năm qua. Nếu biểu cảm đỉnh điểm trong tình yêu là sự hoà quyện hai người với nhau để thăng hoa tái tạo nên một sinh linh mới, được gọi là hạnh phúc lứa đôi, thì đối với tình yêu của dì và cha con, đó lại là sự đau khổ tột cùng. Bởi thế, lỗi lớn nhất của dì và cha con là đối với bé Nhài. Nếu không có lòng nhân từ vị tha của con, sự chấp nhận với việc làm nhân đức của con hôm nay, thì cả đời dì phải ân hận. Dì đã hết lòng vì cha con để nuôi dạy bé Nhài, nhưng tình phụ tử thì không thể thay thế...



Nhài đang học Khoa hoá, trường đại học Tổng hợp. Biết em tuần này không về vì đang thực tập tốt nghiệp, tôi vẫn nán lại với dì một ngày. Đêm ấy dì nói hết những điều bấy lâu đã âm thầm dồn nén tận đáy lòng với tôi, người đầu tiên được dì thổ lộ.

Dì được điều về làm y tá trực ở cơ quan Nông trường bộ. Lúc đó cha tôi đang là trưởng phòng kế hoạch. Dù biết ông đã có gia đình nhưng tình yêu giữa hai người vẫn nảy nở một cách thầm kín không thể cưỡng lại. Ông đã ở tuổi bốn mươi, hơn dì mười lăm tuổi. Khi dì biết có sự khác lạ trong cơ thể mình, cũng là lúc cha tôi nhận được quyết định đề bạt phó giám đốc. Qua nhiều đêm không ngủ, dì gặp cha tôi giao ước: Một là, cha tôi không được lui tới với dì nữa, để dì tự lo liệu, tuyệt nhiên không để lộ chuyện hai người. Hai là, nếu cha tôi làm khác đi thì dì sẽ quyên sinh. Ngày ấy, cơ quan nhiều lần kiểm điểm nhưng không ai biết được điều gì hơn ngoài một điều, dì không chồng mà vẫn sinh con. Nhờ có sự bảo lãnh của người anh ruột ở phòng tổ chức cán bộ tỉnh, dì được chuyển về bệnh viện đa khoa của một huyện ngoại thành Hà Nội. Từ một y tá giỏi, dì vừa làm vừa học thêm, trở thành Y sĩ rồi bác sĩ. Còn cha tôi, sau năm năm làm phó giám đốc, ông tiếp túc được đề bạt giám đốc hơn mười năm thì qua đời. Dù đã hứa với sự giao ước của dì, nhưng cha tôi vẫn liều đến thăm mẹ con dì một lần trước lúc dì chuyển đi. Ông đã ôm ghì bé Nhài mới ba tháng vào lòng khóc nức nở và nói "Cha rất tin mẹ sẽ lo chu toàn cho con, nhưng ...". Ngày đến tuổi đi học, ông tìm đến bệnh viện, buộc dì phải nhận một số tiền nuôi con ăn học để ông đỡ tủi lòng. Ông không có ý định gặp con vì không muốn phải nói với con những điều không thật. Cũng vì vậy, lần cuối cùng đến thăm ông ở bệnh viện, biết cha tôi không thể qua khỏi nhưng dì vẫn không dẫn Nhài đến gặp cha, em còn quá bé để hiểu mọi chuyện. Dì chỉ có thể cho em biết tất cả khi đã trưởng thành.

Tôi không thể phủ nhận những gì cha đã dành cho năm anh em chúng tôi. Cha là niềm tự hào, là đấng anh minh, là người cha tôn kính rất mực thương yêu của chúng tôi. Tôi là con gái duy nhất, lại là út luôn được cha chiều chuộng. Nhiều khi tôi được ông ôm thật lâu, thơm thật nhiều, thật dài. Tôi thấy mình thật sung sướng. Phải chăng những lúc ấy, cha muốn tôi nhận tình thương yêu của cha cho cả em Nhài. Từ bé tôi cũng chưa bao giờ nghe mẹ phàn nàn gì về cha, nên khi biết chuyện cha và dì, tôi không muốn chấp nhận một sự thật về cha. Trước khi đến đây, tôi vẫn không sao gạt nỗi định kiến không tốt với dì. Nhưng giờ đây tôi đã khóc, khóc trong tắc nghẹn, nức nở, có lẽ cả đời tôi chưa bao giờ khóc như vậy. Ôi! Để làm được những gì cho em Nhài, cho cha tôi và cho bản thân mình hôm nay, dì tôi đã phải đau khổ, dầu dãi theo thời gian nghiệt ngã. Tôi nghĩ, nếu phải chết cho tình yêu thì điều đó còn dể hơn ngàn lần so với sự hi sinh, chịu đựng và vượt lên của dì. Lúc này tôi mới thấm thía lời tâm sự của mẹ: "Cha và mẹ lấy nhau không có tìm hiểu yêu đương. Khi cha con còn đang học trên trường huyện, gia đình đã dạm ngõ mẹ cho ông qua mối mai. Đến ngày cưới, cha mẹ mới biết mặt nhau. Mẹ nghĩ, chuyện cha con có yêu một phụ nữ nào khác cũng là chuyện thường. Nhưng cha con vẫn công thành danh toại, gia đình êm ấm thì cô ấy phải là người hiểu biết và thật tử tế ..." Nghe mẹ nói , tôi vẫn nghĩ, mẹ quá nhân từ và vị tha mà nói vậy. Bây giờ thì tôi hiểu ... Trong tôi đau đáu một nỗi niềm, không ngọt ngào nhưng thật hạnh phúc. Giờ đây, anh em chúng tôi còn có dì và em Nhài, một phần cuộc đời của cha tôi ... .
Sáng hôm sau, dì tiễn tôi ra cổng, qua mấy khóm nhài đầy hoa thơm ngát, tôi chợt hỏi chuyện duyên nợ với hoa nhài của dì. Mắt dì trở nên xao xuyến, bâng khuâng. Tôi nghe tiếng dì như gió thoảng.
- Cha con rất thích trà ướp hoa nhài...
Tôi thầm nghĩ, "Còn mẹ và anh em chúng con vẫn nghĩ cha chỉ thích nước chè xanh". Xe đã đi qua khỏi ngõ, mùi hương nhài vẫn vấn vít theo sau. Hít một hơi thật sâu, tôi thầm nói với mình "Con cảm ơn dì thật nhiều"...

Nha Trang 24/9/1996 - Minh Hương

Chị Phúc- Người hết lòng vì công tác xã hội


Tôi gặp lại chị trong một buổi tập huấn về chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS tại cộng đồng do Hội Liên hiệp phụ nữ Tỉnh tổ chức. Thật bất ngờ khi được biết chị không còn làm ở Hội phụ nữa xã nữa mà đang là chủ nhiệm Câu lạc bộ Nha Trang Xanh, nơi chăm sóc chị em phụ nữ bị nhiễm HIV của thành phố Nha trang. Điều càng ngạc nhiên hơn là chị cho biết, chị vừa nhận bằng thạc sĩ xã hội học ở nước noài về.
Tôi rất ngạc nhiên vì trước đây 10 năm, tôi biết chị chưa học xong chương trình phổ thông trung học. Lúc ấy chị đã gần 40 tuổi.Do bận công việc, dễ đến hơn 3 năm tôi mới có dịp gặp lại chị. Vẫn nụ cười đằm thắm, chị nói với tôi: Mình đang tham gia một dự án mới về sức khỏe phụ nữ do Trung tâm phòng chống HIV/AIDS của tỉnh phối hợp với Tổ chức FHI triển khai và hiện là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hoa biển. Đây là nơi thu hút số chị em mại dâm đến sinh hoạt, thăm khám bệnh, qua đó nhằm cung cấp thông tin và các dịch vụ phòng chống HIV/AIDS/STI một cách toàn diện cho chị em và khách hàng của họ trên địa bàn tỉnh. Chị cho biết, “Dự án sắp kết thúc, mình có dự tính nếu không có một dự án khác hỗ trợ, mình sẽ cố gắng duy trì hoạt động của Câu lạc bộ theo một hướng mới là tổ chức tạo việc làm phù hợp cho số chị em hoàn lương từ số vốn nhỏ của cá nhân và kêu gọi tài trợ…”. Quả là, mỗi lần gặp chị tôi lại thấy thêm nhiều điều mới lạ về chị.



Tên của chị là Nguyễn Thị Phúc, sinh ra và lớn lên tại xã Vĩnh Hiệp, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
Có thể nói, chị đã dành cả đời mình cho công tác xã hội. Khi còn nhỏ, vì hoàn cảnh gia đình, chị không có điều kiện theo học hết phổ thông. Tuy vậy, gần 20 năm kể từ 1975-1995, chị là môt thành viên tích cực tham gia dạy học bổ túc, rồi xóa mù ở xã.
Năm 1985, chị được bầu làm Chủ tịch Hội phụ nữ xã, đại biểu Hội đồng nhân xã, rồi sau đó là Trưởng ban kiểm sát Hợp tác xã Nông nghiệp. Trên những cương vị công tác đó, chị luôn bảo vệ quyền lợi cho dân, cho hội viên của mình và được mọi người mến phục. Đến giờ đã mười mấy năm rồi, bà con ở hai bên bờ sông Quán Trường chảy qua thôn Vĩnh Điềm Thượng vẫn không quên việc chị đại biểu hội đồng nhân dân xã Nguyễn Thị Phúc đã hợp lực cùng với một số cán bộ cách mạng lão thành kiên trì vận động nhân dân đóng góp, đề nghị với tỉnh cấp kinh phí cho xây kiên cố Cầu Ké. Trước đó, cây cầu này làm bằng tre nẹp gỗ lắt lẻo nối hai bờ qua lại của thôn, khi chở hàng nhiều phải dùng ghe thuyền, mỗi năm phải dựng lại một lần vì mùa nước lụt năm nào cũng kéo trôi đi. Bây giờ nhiều người còn gọi Cầu Ké là “Cầu cô Phúc”.
Năm 1995, chị được mời làm Giáo dục viên và Quản gia Câu lạc bộ Trẻ em đường phố, còn gọi là Nhà Mở, nơi tập trung các em nhỏ cơ nhỡ, lang thang đường phố. Cũng chính từ việc chăm sóc các em tại Nhà Mở mà chị thấy mình cần thiết phải học thêm nhiều về kiến thức xã hội. Bằng số vốn ít ỏi dành giụm được của mình, chị quyết tâm đầu tư cho việc học lên nữa của mình. Hoàn thành xong chương trình phổ thông trung học, chị tiếp tục dự thi và trúng tuyển Đại học Mở bán công TP. HCM. Vừa đi làm kiếm tiền, vừa đi học, chị luôn đứng đầu trong tốp 10 của lớp và đã tốt nghiệp loại khá, sau 2 năm làm việc với những người nghiện ma túy tại Nha Trang, chị xin được học bổng học Thạc sĩ ngành Công tác xã hội tại trường ASI Philippines.


Năm nay, chị đã bước vào tuổi 55, trong hàng U60, nhưng nhiệt huyết của chị với công việc thì vẫn còn nguyên vẹn ở tuổi thanh niên. Nhiều học trò của chị hồi chị dạy bổ túc nay đã thành đạt ở những cương vị khác nhau. Trong số các cháu cơ nhỡ đường phố trước đây giờ cũng nhiều cháu trưởng thành, tốt nghiệp đại học, có việc làm ổn định. Đặc biệt số chị em ở Câu lạc bộ Nha Trang xanh, Câu lạc bộ hoa biển thì không chỉ biết ơn mà còn luôn quý mến chị như người thân…

Khi được hỏi về những khó khăn mà chị gặp phải lúc làm việc ở các Câu lạc bộ với những thành viên đặc biệt này, chị nói: “Khó khăn thì nhiều lắm, nhưng cái khó nhất là sự mặc cảm của các chị em và sự kỳ thị của cộng đồng. Những sản phẩm của chị em làm ra rất khó được thị trường tiêu thụ. Hiện nay mình còn nợ tiền công một số bức tranh do chính các chị em bị nhiễm HIV ở Câu lạc bộ Nha Trang xanh thêu. Để làm nên những bức tranh đó, cả mình và các chị em phải rất kiên trì, vừa động viên chị em vượt qua mặc cảm, vừa tìm người dạy thêu, vừa phải tìm mua loại kim thêu đặc biệt chỉ có ở nước ngoài để không chảy máu nếu lỡ kim đâm vào tay…
Khi sản phẩm đầu tiên ra đời, cả Câu lạc bộ vui mừng, nhiều chị rưng rưng, họ hy vọng sẽ có một phần thu nhập từ sản phẩm của mình. Nhưng đến bây giờ, còn một số lớn bức tranh còn để trong kho. Có hai bức tranh lớn nhất được thêu theo yêu cầu của UBND và được ông Phó Chủ tịch tỉnh hứa sẽ đấu giá nhân dịp thi Hoa hậu Hoàn vũ. Đã hơn hai năm, giờ này cũng không biết bức tranh đó đang ở đâu, vì người ta đến mang nó đi rồi để lạc vào quên lãng. Mấy lần hỏi lại thì đều hứa sẽ … và sẽ…


Chia tay chị Phúc, tôi chợt nhận thấy trên đầu chị đã điểm nhiều sợi bạc, nụ cười đôn hậu và ánh mắt có nhiều vết chân chim nơi đuôi mắt vẫn cháy bỏng, khiến ai nhìn vào cũng cảm thấy ấm lòng. Một đời nhiệt thành, mang hết tâm đức và sức lực cống hiến cho công tác xã hội, chị Phúc đã góp những giọt mật ngọt cho đời một cách cần mẫn, lặng lẽ... Tôi thầm mong những nỗi niềm, khó khăn mà chị đã tâm sự rồi đây sẽ được nhiều người, nhiều tổ chức xã hội quan tâm chia sẻ hơn.

Thứ Hai, 2 tháng 8, 2010

Ngọt bùi

Tròn một năm ngày cưới, anh bày lên bàn lẵng hồng nhung và dĩa kẹo lạc. Mắt chị ánh ngời hạnh phúc. “Nhà mình nghèo, anh bày biện làm chi?”. Anh ôm chị vào lòng: “Nhà mình nghèo nhưng tình mình không nghèo, anh rất thích vị ngọt bùi của kẹo lạc và cái đẹp đằm thắm của hoa hồng”…
Hai mươi năm sau, chị thức chờ anh.
Khuya lắm, anh về mang theo hơi men và mùi son phấn. “Sao chưa ngủ?”.
Chị nhìn anh thật lâu: “Không biết vì sao ư?”
Anh ngẩn người rồi lẩm bẩm: “À, à…còn nhớ, còn nhớ…”
Rất vô tình, anh chuyển dịch lẵng hồng nhung và dĩa kẹo lạc mà chị đã bày sẵn sang một bên, mở tủ lấy ra bình hoa hồng bằng đá quý, những gói bánh kẹo ngoại đắt tiền đặt vào giữa bàn. Giọng anh lè nhè: “Bây giờ chúng mình rất giàu và tình … mình …” cánh tay nặng trĩu của anh tuột khỏi vai chị, người đổ lên lưng dựa của xalong, chỉ còn nghe tiếng phì phò…

Chị ngồi yên như tượng, ánh mắt lạnh lẽo vô hồn, nhòa dần, nhòa dần… Hương thơm nhẹ nhàng của hoa hồng cùng dư vị ngọt bùi của kẹo lạc không làm dịu đi nỗi cay đắng trong lòng chị!

Chủ Nhật, 1 tháng 8, 2010

Một chùm thơ cho mình

Chốn cũ

Mành mành nắng trải hoàng hôn,
Khói lam chiều quấn gió vờn ngọn tre.
Thương em một lối đi về,
Vai gầy trĩu nặng lời thề tóc tơ.

Anh về chốn cũ bơ vơ,
Lạc trong hoài niệm ngây thơ một thời
Lắng xa vọng tiếng ru hời,
Nao nao, ước được một lời em ru!...
2/99



Nỗi nhớ
Nỗi nhớ thành suối lệ
Cứ chảy hoài trong em

Anh ơi có bao giờ
Suối tình em ngừng chảy
Vì cạn nguồn từ anh?

Vẫn biết là không thể
Trái tim vẫn thét gào
Nên tình như chiếc lá
Rơi giữa dòng trôi xuôi!

Hạnh phúc là nỗi nhớ
Em đắng lòng phải quên
Suối tình đành chở lá
Cuốn theo dòng bể dâu!
9/98

BẾN BỜ
Ngày ấy, một lần chúng mình tranh cãi,
Sự khác nhau giữa bến và bờ
Anh khăng khăng: Bến khác bờ nhiều lắm!
Em lắc đầu: Cũng chỉ một mà thôi!

Dòng thời gian xô sóng bạc đầu
Giờ ngẫm lại mới thấm điều em nói
Thuyền tình anh lênh đênh sóng bể
Bạc tóc rồi không tới được bến bờ em.

3/99