< Blog Chominh không có nghĩa là chỉ cho riêng mình, nó chỉ là những entry mình viết và sưu tầm cho mình . Rất mong các bạn ghé thăm và chia sẻ >

Thứ Sáu, 15 tháng 4, 2011

Hai mươi năm mồ côi

Mẹ già như chuối chín cây
Gió lay mẹ rụng con phải mồ côi
Mồ côi, tội lắm ai ơi!...


Má ơi!
Thế là đã hai mươi năm rồi, chúng con sống cảnh mồ côi cả cha lẫn mẹ. Sao ngày ấy Ba và Má lại rủ nhau cùng đi để lại chúng con bơ vơ ngơ ngác trên cuộc đời này? Mỗi khi cất lời hát những câu ca trên, tim con nhói buốt, lòng con lại quặn thắt... Mồ côi! Ai rồi cũng phải có ngày lìa xa cha mẹ của mình. Cha Mẹ già như quả chín trên cây, như lá vàng trước mùa lá rụng… Nhưng Ba Má ơi! Với con, Ba Má chưa đến tuổi già. Đúng độ tuổi để hưởng thụ hạnh phúc cuộc đời, thì Ba Má lâm bệnh nặng rồi vội vã ra đi. Nào đã kịp “chín”, kịp “vàng “ cho cam. Quả chưa chín, lá chưa vàng… vậy mà đã vội lìa cành… Hai mươi năm đã qua. Ôi! nhắm mắt lại, chỉ như là mới hôm qua, chỉ là một cái chớp mắt thôi ư? Vậy nên tất cả còn vẹn nguyên trong ký ức của chúng con… và mãi xót xa, tiếc nuối, cả những ân hận vì đạo làm con có lúc chưa tròn...

Dẫu biết, thời gian Ba Má bệnh khá lâu, nhưng với chúng con, sự ra đi của Ba Má vẫn đột ngột quá, nhanh chóng quá, và dồn dập quá, cả bốn chị em đều không lường hết được. Không ai nghĩ Ba lại đi trước Má, và cũng không ai nghĩ Má lại đi ngay sau đó chưa đầy một tuần… Nhưng đó là trời định… Biết vậy mà chúng con vẫn không thể tin được dù đó là sự thật. Vì đó là sự thật nên chị em chúng con phải buộc lòng đối mặt, phải tự mình lo Đại tang với sự giúp đỡ của bà con, bạn bè thân thích, cũng như chúng con đã từng lo chăm sóc Ba Má trong những ngày bệnh trọng. Để rồi sau đó là sự thiếu vắng, hụt hẫng đến kinh hoàng. Hai bàn thờ ngày nào cũng đỏ nhang, đêm đêm em Trung trải chiếu nằm phục ngay trước bàn thờ Ba Má…

Ngày ấy, không như chị Hà và em Trung, chỉ lặng lẽ nuốt nước mắt, con lăn lộn, gào thét. Con phải khóc, nếu không thì con sẽ phát điên mất. Trời ơi! có thấu được không …Người nhiều nước mắt như con thì làm sao chịu được trước cảnh nhà tang chồng lên tang, chị gái thì bụng mang dạ chửa, em gái thì sinh non nằm ở bệnh viện không được cho hay tin Má mất, cháu ngoại chào đời, bà chưa kịp nhìn mặt đã vội ra đi, em trai thì bơ vơ ngơ ngác ngác chưa biết ngày hỷ đã phải lo Đại tang. Con làm sao mà không gào lên được chứ, hết gào thét thì lại tức tưởi, ấm ức tiếc thương đứt ruột hai người yêu quý nhất đời của mình. Bao nhiêu năm tháng qua, con chỉ biết lùi lũi cùng chị em lo chăm Ba Má, vậy mà hà cớ chi hai người lại rủ nhau cùng đi như thế chứ. Con đã xin nghỉ việc một lần, mong là lo mọi chuyện cho Má xong sẽ dành thời gian chăm sóc Ba nhiều hơn. Vậy mà... Trời hỡi trời! Sao đành vậy chứ... Con khóc để còn đủ tỉnh táo cùng em Trung, chị Hà lo hậu sự cho Má, còn thay Má chăm em Vân Anh sau khi khi ở nhà hộ sinh về ... Má ơi! Bao nhiêu năm rồi, bao giờ nhớ lại ngày ấy, con không thể cầm lòng. Cũng như giờ đây, lệ nhòa trang viết. Má có biết không đã có lần một mình nhớ Ba Má, con đã đóng cửa và gào thật to cho thỏa nỗi đau. Cho đến giờ, dù biết phải chấp nhận sự thật, nhưng từ sâu thẳm lòng con vẫn không thể nguôi ngoai nỗi đau mất cha, mất mẹ nghiệt ngã, hy hữu như thế…

Rồi cuộc sống vẫn quay đều theo guồng quay của nó. Chúng con lao vào công tác, làm việc, mưu sinh… và lấy vợ cho em Trung. Chúng con đã chuyển và xây lại nhà đẹp cho Ba Má về Nghĩa trang Phước Đồng để gần gặn với chúng con và yên tĩnh cho Ba Má hơn. Giỗ ba má năm 2008, bác Cương, bác Hân ở Bình Định, em Liên con cô Lộc ở Đà Nẵng, những người cùng công tác với Má hồi ở Nông trường Chí Linh đã về thăm. Chúng con đã tìm lại được đồng đội của Ba hồi ở Trường Sơn. Năm ngoái, anh Thế và anh Phong từ ở Bắc Giang, Chí Linh đã vào thăm và thắp nhang cho Ba Má. Giỗ năm nay, Vợ chồng anh Nghị ở Thanh Hóa, anh Thạo, anh Thảo ở Đồng Nai cũng về thăm. Hàng năm, em Trung và chúng con vẫn thường dự các buổi gặp mặt đồng đội của Ba hồi còn ở Sư đoàn 470. Những lần em Trung đăng cai địa điểm tổ chức, các chú về gặp mặt vui vẻ, kể nhiều chuyện về Ba và vào thắp nhang cho Ba Má. Nhiều năm liền, ngày thành lập Công đoàn, ngày tết, Công Đoàn thành phố cũng đến tặng quà và thắp nhang cho Má. Chúng con nghĩ đó là những niềm an ủi động viên tinh thần quý giá nhất, không có gì quý hơn thế. Mối lần gặp lại đồng đội, đồng nghiệp của Ba Má như vậy, chúng con lại được nghe nhiều chuyện vui có, cảm động có về Ba Má. Chúng con luôn tự hào về Ba Má. Đó là nguồn sức mạnh vĩnh hằng giúp chúng con vượt lên khó khăn để có được cuộc sống như hôm nay. Chị Hà và con đã nghỉ hưu. Vân Anh và Trung còn tiếp tục công tác. Gia đình chúng con đều ổn định, các cháu ngoại của Ba Má đã trưởng thành, đều đã tốt nghiệp phổ thông, đứa còn đang tiếp tục học, đứa đã đi làm. Hai cháu Nội của Ba Má, Hữu Vượng học lớp 9, Minh Hằng học lớp 7. Ước mong của Má ngày nào: Cho chúng con ăn học để biết sống làm Người đã thành hiện thực. Chúng con cũng đang dốc lòng nuôi dạy các con của mình như Ba Má đã dạy chúng con hồi nhỏ.

Vì ở gần nhau, nên mấy chị em chúng con luôn có nhau lúc vui cũng như lúc buồn, thường giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Em dâu ngoan hiền và được các chị thương như em gái. Những lúc khó khăn, được ở bên nhau, chúng con lại nhắc lại lời Má : Chỉ mong sau này các con được sống gần nhau để Đông có mày, Tây có tao. Chúng con biết để được ở gần nhau như bây giờ là chúng con được hưởng phúc lớn của Ba Má…

Má ơi, hai mươi năm đã qua. Bây giờ cả bốn chị em con đều đã bước vào hoặc đã qua cái tuổi mà Ba má ngày ấy ngã bệnh. Năm nay em Trung 49 tuổi (tính theo tuổi ta là 50), đúng bằng tuổi của Ba khi bị tai biến. Vân Anh thì đang bằng tuổi Má lúc ủ bệnh (52 tuổi). Không giàu sang, nhưng chúng con vẫn luôn nhắc nhở nhau phải biết giữ gìn và chăm sóc sức khỏe. Những bệnh mà Ba Má đã mang trước đây, bây giờ rất nhiều, nhưng y học hiện đại và cổ truyền phát triển đã hạn chế được nhiều lắm. Vì vậy nghĩ lại chúng con đều thương Ba Má đến thắt lòng, không thể không tiếc nuối. Đã có lúc chúng con nói với nhau: Giá như ngày ấy được như bây giờ, chắc là Ba Má không bỏ lại chị em mình sớm đến vậy… Nhưng mà ở đời đã có biết bao nhiêu cái “giá như” mà không “được như”, nên chị em chúng con lại đành ngậm ngùi mà chấp nhận sự thật…

Nơi suối vàng, Ba Má hay yên giấc ngàn thu, đừng lo cho chúng con nhiều nữa. Chỉ mong Ba Má luôn về nhắc nhở cho cháu Hữu Vượng và Minh Hằng chăm học để khôn lớn nên Người.


15/4/2011

MH

Thứ Bảy, 9 tháng 4, 2011

KÝ ỨC VỀ CHA

Theo cách gọi của gia đình, tôi kêu cha là Ba. Nhưng trong sâu thẳm trái tim mình, mỗi khi khi nhớ về Người tôi vẫn thường gọi thầm: Cha ơi! Cha ơi!...
Ngày còn bé, mỗi khi nhớ cha, tôi lại lấy gương soi. Nhìn ảnh cha, rồi nhìn mình trong gương, tôi thấy mình thật giống Cha, đúng như má và các cô chú vẫn nói. Cái trán cao và bóng này, đôi mắt to với đôi lông mày rậm, dài và cong này, hai cái tai cũng to nữa chứ. Những lúc như vậy tôi thích thú lắm, đỡ nhớ cha hẳn đi. Nhưng có lúc, nhìn kỹ lại, tôi thấy buồn xịu vì nhìn cha trong ảnh thật là đẹp, còn tôi trong gương thật xấu xí. Tóc thì cháy nắng, da đen nhẻm, răng thì vừa sứt, vừa sún, nhất là cái trán sao lại dồ ra thế kia chứ. Thế là tôi lại nghĩ đến chị gái của mình. Lúc nào nhìn chị cũng đẹp, tóc dài, đen mượt, môi đỏ lắm, răng trắng như ngọc và đều tăm tăp. Mỗi khi chị cười là tôi cứ thần mặt ra mà ngắm. Tuy vậy tôi lại tự vui vẻ lại khi nhớ đến cô em gái kề tôi, nó cao lêu đêu, da còn đen thậm tệ hơn tôi, tóc loe hoe có mấy sợi vàng khè. Suốt ngày nó cứ bắt tôi phải búi tóc cho nó, giống như búi của tôi vậy. Nhưng búi tóc của tôi thì to bằng quả cam, còn hì hục búi mãi cho đến lúc được thì buí tóc của nó chỉ đúng bằng… củ tỏi!
Cha đi bộ đội. Từ khi còn bé lắm tôi vẫn chỉ biết có Má và mấy chị em. Ký ức của tôi lúc còn nhỏ chỉ có Má, chị Hà, em Vân Anh. Đấy là những người tự nhiên tôi thấy họ ở bên tôi, chẳng biết họ đến từ lúc nào. Chỉ biết Má là người lớn nhất, rồi đến chị Hà, rồi đến mình, rồi đến Vân Anh. Cho đến khi Má sinh em Trung. Từ lúc đó tôi mới biết Má là người sinh ra mình. Cũng như sinh ra Trung vậy, và đầu tiên là sinh chị Hà, rồi mới sinh mình… Khái niệm có Cha trong cuộc đời là lần Cha về phép. Những lần về phép trước của Cha tôi chẳng biết gì, nhớ gì. Khi đó em Trung cũng đã được hai tuổi. Cha mặc quân phục, người thấp, mập. Mấy ngày cha về phép, Má vẫn đi làm ở Bệnh xá. Cha ở nhà giặt quần áo cho chị em tôi, việc đó thường ngày Má làm. Cha rất hay chọc cho chúng tôi cười, có khi đùa quá thì chúng tôi khóc la om xòm. Rồi sau đó cứ cách hai đến ba năm thì Cha lại về phép một lần. Mỗi lần như vậy khoảng bảy đến mười ngày. Chị em chúng tôi cứ thế lớn lên trong sự chăm sóc, nuôi dưỡng của má. Nhà được chuyển đi nhiều nơi, theo yêu cầu công tác của Má, nhưng cũng chỉ trong phạm vị Nông trường Chí Linh. Những lần Ba về phép sau này thường có xe ô tô đưa về, hồi đó thấy mọi người gọi là Com mang ca gì đó. Lần nào cũng vậy, các chú, các bác ở Nông trường đến rất đông để nghe Cha nói chuyện chiến trường, thường phải khuya mới về. Những ngày cha về phép, tôi ít đi chơi, thường ở nhà quấn quýt bên Cha. Chính trong những dịp Cha về phép, chị em chúng tôi thường trổ tài ca múa trên sân khấu là chiếc giường 1m6, và được cha dạy hát bài “Đoàn vệ quốc quân”, hình như Cha chỉ biết hát mỗi bài đó… Hết phép, Cha đi rồi, cả nhà buồn thiu. Má còn đọc thơ tiếu lâm do câu Tố làm để chúng tôi vui: Ba đi bộ đội xe Com măng ca, Mẹ con ở nhà ăn sắn trừ cơm. Hồi đó khó khăn mà, gạo kho theo tiêu chuẩn, phải thêm khoai sắn mới đủ ăn. Tuy không được có Cha thường xuyên ở nhà, nhưng mỗi lần Cha về phép cùng với sự nuôi dạy của Má, tình Cha trong chị em tôi cứ lớn dần và chúng tôi luôn tự hào về Cha…
Năm tôi học lớp 7, Cha về phép. Lúc này tôi đã lớn phổng lên, tuy so với bạn bè cùng lứa thì vẫn nhỏ nhất. Tôi đã biết đi chợ nấu cơm, có ý chăm sóc cha rất chu đáo. Hôm đó, sau khi nấu cơm xong, tôi nói với cha: Có canh chua cá lóc nấu với dọc, ba thích không? Cha nói: Đó là món khoái khẩu của Ba. Rồi Cha kêu tôi lại gần, nắm tay tôi nói: Con gái Ba lớn thật rồi, có da có thịt, ra dáng con gái rồi đấy. Vậy mà Ba tưởng đã mất con… Tôi bàng hoàng: Ồ sao vậy Ba? Rồi Cha kể: Ngày Má sinh ra con, bị bệnh nặng phải đi nằm viện trên tỉnh. Con ở nhà được các cô chú ở Tập Đoàn nuôi bằng sữa bò, nước cơm và bú nhờ mấy cô có con nhỏ… Lúc Má khỏi bệnh thì con đã được bảy tháng, không thể cho bú Má được, phải tiếp tục nuôi bộ. Khi ba được về phép thì con đã gần hai tuổi. Trông con thật thảm hại: đầu và mình mẩy ghẻ lở tanh tưởi, cái bụng cóc to kinh lắm. Ba nghĩ chắc là con không thể lớn nổi. Ba trở về đơn vị nghĩ đến con và Má của con thì đau lòng lắm. Vậy mà nhờ ăn thịt cóc cái bụng của con xẹp đi, ghẻ chóc cũng không còn. Lần về phép sau, thấy con đã đỡ còi cọc Ba mới thở phào. Lúc này Má đã sinh em Vân Anh…
Việc tôi không được bú Má và được các cô chú trong Tập Đoàn thay nhau nuôi thì tôi vẫn thường nghe Má nói, không phải với tôi mà với gười lớn mà tôi nghe thấy. nhất là má cứ nói tôi gọi chú Cừ là Má Cừ, vì chú là người trực tiếp chăm tôi nhiều nhất. Rồi có ông tên Duyên bắt cóc làm thịt cho tôi ăn cho xẹp cái bụng óc nóc vì bị cam tích của tôi… Nhưng cái chuyện tôi còi cọc, mụn ghẻ giống thứ đồ bỏ thì bây giờ mới được nghe Cha nói. Từ khi biết rõ chuyện từ những ngày đỏ hỏn của mình, tôi hiểu mình đã mang ơn đời nhiều lắm…
Vậy đó, Má và chị em tôi được ở với Cha thật là ít ỏi. Có lần tôi nghe Má nói: Cưới nhau, rồi có các con, đã hai mươi năm nhưng ba má chỉ được ở gần nhau có mấy tháng. Tôi biết, mấy tháng đó là má tính theo phép cộng dồn của những đợt phép, chứ thực ra chưa bao giờ Ba Má được ở bên nhau tròn tháng. Ngay cả khi mới cưới xong, sau một tuần là ba đã về đơn vị. Rồi tập kết ra Bắc cũng mỗi người một nơi.
Ngày Đất nước hòa bình, Cha về quê Đông Xuân, Phú Yên tìm Mẹ thì bà Nội tôi mới mất được hơn hai tháng. Ông Nội tôi mất từ khi Cha tôi còn nhỏ. Nhận được thư Cha báo tin bà Nội vừa mất thì Giải phóng. Nội đã cố chờ các con trở về nhưng không được, tôi đã khóc nhiều lắm. Đó là lần đầu tiên tôi khóc vì mất người thân. Dù chưa được biết bà Nội, nhưng nỗi đau mất Bà cứ nức nở trong tôi.
Sau Đó Gia đình tôi về Nam như bao gia đình cán bộ miền Nam tập kết khác. Tôi và chị Hà học xong Đại học mới về Nam công tác. Năm 1976, tôi đang học Đại học năm thứ nhất thì Cha bị tai biến mạch máu não do áp huyết cao và bị liệt một nửa người. Đó là những ngày đau buồn nhất trong cuộc đời tôi. Lần đầu tiên phải đối diện với sự thật về bệnh tình của Cha, tôi không sao kìm được lòng. Tôi lại khóc, nhưng tuổi trẻ dại khờ, dù thương Cha cũng không hiểu được hết sự hẫng hụt, bất lực của Cha khi cơn tai biến bất ngờ vào tuôi năm mươi.
Cha tôi được đưa ra Hà Nội, rồi được chuyển đến điều trị tại bệnh viện 108B tại Hà Đông. Trong thời gian này, biết Cha rất mong được gặp các con nên thường là chủ nhật tôi cùng người yêu từ Trâu Quỳ, Gia Lâm sang Hà Đông thăm cha. Có khi thì sang Trường Tổng hợp ở Thanh xuân để cùng đi với chị Hà. Và đúng vậy, khi đã có thể ngồi được rồi thì hầu như lúc nào chúng tôi đến cũng đã thấy Cha ngồi nhìn ra cửa ngóng chúng tôi. Khi bệnh Cha đã tạm ổn định, tôi xin nghỉ học, để cùng các chú ở đơn vị đưa Cha chuyển viện về bệnh viên Quân y 87 tại Nha Trang. Rồi chúng tôi ra trường và nhận công tác gần nhà để có điều kiện chăm sóc Cha.
Khi Cha đã về nhà dưỡng bệnh, mọi sinh hoạt dường như phải phụ thuộc vào người khác. Những hẫng hụt, buồn bực dần lắng lại. Cha tự xác định phải sống chung với Bệnh tật, âm thầm chịu đựng, không thở than, kiên trì tập luyện, từ việc tập tự xúc ăn, tập đi bằng nạng, tự xối nước tắm, rồi tự mặc quần áo, chỉ bằng một tay. Tất nhiên là vẫn phải có các con hỗ trợ là chủ yếu. Thời gian còn lại thì đọc sách, báo, nghe đài, chẳng lúc nào Cha để mình nhàn rỗi. Rồi Cha còn viết thư thăm hỏi bạn bè, người thân, rồi ghi lại vài dòng hồi ký… Đó chính là tấm gương, là nguồn lực lớn nhất tiếp sức cho chúng con cùng Cha vượt lên và từng ngày, từng ngày qua đi, qua đi…
Mười lăm năm Cha mạng bệnh, đó là khoảng thời gian dài chị em chúng tôi được ở bên Cha, chăm sóc Cha. Rồi Má cũng bị bệnh hiểm nghèo trong gần mười năm. Khoảng thời gian Ba má được ở gần nhau dài lâu cũng là khoảng thời gian hai người mang trọng bệnh. Nhớ lại phép cộng dồn của má về số ngày được tính bằng tháng trong cuộc sống chồng vợ của Ba Má trước đó, lòng tôi cứ xót, xót mãi…
Tròn hai mươi năm rồi, Cha đã đi thật xa, con vẫn thấy còn nguyên tất cả, con sợ một ngày kia, tuổi già quên lãng, vội ghi lại mấy dòng. Những ký ức về Người. Cha ơi!


Nha Trang
08/4/2011

Thứ Hai, 4 tháng 4, 2011

TÌNH THƠ

Kính tặng cô giáo Nguyễn Thị Cẩm Tú


Được làm giọt nắng Nha Trang,

Ấm lòng cô giữa mênh mang đất trời,

Thoảng xa một chút hương đời,

Tri âm cô nhận, đầy vơi ân tình.

Đất lành nhân kiệt Chí Linh,

Tuổi thơ một thuở đã thành quê hương.

Mái trường xưa mãi yêu thương,

Ơn thày cô nhớ trong lòng không phai.

Tình thơ hương nắng hôm nay,

Nhân duyên kỳ ngộ gió mây cuối chiều.

Thả hồn bay bổng phiêu diêu,

Hoàng hôn vọng tiếng sáo diều tuổi thơ.

Dẫu xa lắm, vẫn hẹn hò:

Tri Ân trang mạng em chờ thơ cô!

Nha Trang

04/4/2011