< Blog Chominh không có nghĩa là chỉ cho riêng mình, nó chỉ là những entry mình viết và sưu tầm cho mình . Rất mong các bạn ghé thăm và chia sẻ >

Chủ Nhật, 25 tháng 12, 2011

Hoàng hôn bên biển

(Họa bài BÊN SÔNG HOÀI CẢM của Tạ Anh Ngôi)

Mặt biển mênh mông ánh bạc phơi
Sóng xô bờ cát mãi muôn đời
Chiều buông hắt bóng dừa nghiêng đổ
Gió thổi lay rèm nắng nhẹ rơi
Còng gió diễu càng xua bọt nước
Hải âu giang cánh vẫy mây trời
Mình ta ngơ ngẩn hoàng hôn tím
Nỗi nhớ trong lòng chẳng thể vơi.


24/12/2011 - MH



Phụ chép: BÊN SÔNG HOÀI CẢM

Sông trăng lấp lóa ánh vàng phơi
Thao thiết, mênh mông chảy giữa đời
Bến cũ sân đong đầy lá rụng
Thuyền xưa lòng đựng đẫm trăng rơi
Chân cầu sóng vỗ lung linh nguyệt
Mặt nước mây in sóng sánh trời
Đêm vắng một mình ngồi ngắm cảnh
Trăng tàn, gió tạnh, nhớ chơi vơi !


Tạ Anh Ngôi

Thứ Bảy, 24 tháng 12, 2011

Một đời Đông


Mưa dầm gió bấc lạnh tê lòng
Cứ bảo Nha Trang chẳng có Đông!?
Khoác áo, choàng khăn …rồi ngơ ngẩn
Người ơi! Ngày ấy nhớ hay không?

Người ơi! Ngày ấy nhớ hay không?
Chẳng có xe hoa chẳng rượu nồng
Bánh kẹo trà suông mời chúng bạn
Nên duyên chồng vợ giữa mùa Đông.

Nên duyên chồng vợ giữa mùa Đông.
Để mãi tay chèo vượt bão giông
Đầu bạc bể dâu còn mải miết…
Ba sinh duyên nợ một đời Đông!

23/12/2011 - MH

Một nửa

Mấy mươi năm rồi ta là một nửa

Với nửa kia ghép mãi cũng vừa

Hình như chẳng còn vênh váo nữa

Như đất vẫn chịu trời cả nắng mưa.


18/12/2011 - MH

Thấy Đông

Thoảng qua mươi ngọn gió mùa

Phất phơ chút lạnh… đủ vừa thấy Đông

Chỉ vậy thôi… đủ xao lòng

Nghe tim gõ nhịp ngược dòng tháng năm.


Chiều Đông – Nha Trang

08/12/2011

Thứ Tư, 30 tháng 11, 2011

Mãi xót cay

(Họa bài thơ TRẦM TƯ VƯỜN VẢI của thầy Thanh Dạ)

Vườn vải đang mùa chín đỏ cây

Côn Sơn nhớ lại...tại nơi này

Địa linh nhân kiệt còn lưu giữ

Để mãi muôn đời vẫn xót cay.

30/11/2011

MH


Phụ chép: TRẦM TƯ VƯỜN VẢI

Bây giờ quả đỏ trĩu trên cây

Nhớ máu ngày xưa xối đất này

Mật ngọt làn môi, Lòng bỗng chát

Quầng thâm mắt lá; Lệ vương cay!

TD

Thứ Ba, 29 tháng 11, 2011

PHẬN NGHÈO


Hồng Minh sinh ra trong gia đình có hoàn cảnh thật éo le. Ba là cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc năm 1954 (thời chiến tranh chống Mỹ) và có thời gian dài sống ở Nông trường chè Chí Linh, Hải Dương. Như rất nhiều cán bộ miền Nam tập kết, ông phải xa vợ con sống đơn thân nơi đất Bắc, lòng không nguôi nhớ về quê hương. Nỗi nhớ thương càng day dứt khi ông hay tin đứa con gái duy nhất của ông đã mất khi mới lên 3 tuổi. Sau 18 năm khắc khoải chờ mong, dù đã kiên tâm đợi ngày trở về đoàn viên, nhưng chiến tranh dai dẳng, buộc ông phải phụ tình với người vợ hiền đang chung thủy chờ chồng ở quê nhà, chỉ với một niềm mong ước để có con nối dõi tông đường. Vào một ngày mùa đông năm 1973, Hồng Minh - đứa con trai mong ước của ông đã cất tiếng khóc chào đời (tại thôn Tiền Định, xã Cộng Hòa, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương) và chỉ 2 năm sau đó thì đất nước thống nhất. Rồi Hồng Tâm ra đời, ông đành lỗi hẹn với quê hương, ở lại mảnh đất Chí Linh sinh sống với vợ con.

Cuộc sống không mỉm cười với gia đình Hồng Minh. Đất nước đã hòa bình, nhưng cả cha mẹ đều đau ốm, nhất là mẹ lại thêm chứng bệnh thần kinh không bình thường, lúc tỉnh lúc ngơ. Năm 1982, biết mình không còn có thể sống bao năm nữa, cha của Hồng Minh đành gửi lại người vợ bệnh tật nhờ mẹ vợ chăm sóc, quyết định đưa hai anh em Hồng Minh trở về quê hương Duy Nghĩa, Duy Xuyên, Quảng Nam để các con biết quê Cha đất Tổ. Về quê sau gần 30 năm xa cách, với lưng vốn gần như tay trắng cùng 2 đứa con trai Hồng Minh và Hông Tâm mà ông coi đó là hai “cục vàng”, tài sản duy nhất mình có được trong cuộc đời. Ông tạ lỗi với người vợ già vẫn một hình một bóng suốt bao năm trời, nhờ bà chăm sóc nuôi dưỡng hai con trai…

Cái khoảng thời gian ấy, sau chiến tranh, đất nước khó khăn cùng cực. Ở cái đất chỉ có cát và nắng mà dòng tộc Lê Tăng của ông đã sinh sống bao đời, với bốn người, hai già yếu, hai con trẻ chưa đủ lớn thì cuộc sống quả là khốn khổ. Họ đã gắn kết, nương tựa vào nhau để sống trong cái nghèo truyền kiếp. Vì nhà quá nghèo, hai anh em Hồng Minh không được học hành tử tế. Rồi cha bệnh triền miên và qua đời năm 1989. Lúc này Hồng Minh 16 tuổi, Hồng tâm 14 tuổi phải phụ Má kiếm sống qua ngày…

Từ nhỏ anh em Hồng Minh đã được Ba dạy dỗ rất kỹ về nhân cách, đạo đức, nhân nghĩa ở đời. Những đêm trăng sáng, ông thường trải chiếu trước sân nhà kể chuyện cổ tich, chuyện ngụ ngôn và đọc thơ cho các con nghe. Khi Ba mất đi, tuy nhỏ tuổi nhưng Hồng Minh đã biết mình phải thay Ba chăm sóc em trai, chăm sóc Má. Dù với cuộc sống nhọc nhằn, đã rất ít học (đang học lớp 6 thì phải bỏ), lại không có điều kiện để bút nghiên, thơ phú, nhưng có lẽ là duyên nợ, anh rất ham đọc sách báo và viết nhiều thơ tự sự với chính mình, với những người thương yêu của mình, với cuộc sống xung quanh mình. Anh có thể viết lời cho những điệu dân ca quê nhà, khi làng xóm có hội hè, là anh lại hát để góp vui. Mỗi lúc buồn đau, anh lại có những dòng tâm sự rất cảm động. Có thể thấy rất rõ điều này qua một số bài thơ, chẳng hạn khi nói về cái khó của gia đình mình anh có bài TỰ TRÀO:

Mẹ cha trồng mãi lúa khoai

Sinh con ra cứ ươm hoài thơ văn

Vần hay, ý lạ, tứ khan

Rồi ra thiếu cả cái ăn… giật mình!

Hồng Minh hiểu Ba là người rất khí khái. Bởi vậy, cuộc đời ông có nhiều uẩn khúc. Ông dạy con dù nghèo cũng phải sạch, dù khó cũng phải hiên ngang, ngẩng đầu mà sống… Tuổi cao sức yếu, hoàn cảnh éo le, Ba anh đã không thực hiện được ý nguyện của mình là cho các con được ăn học đến nơi đến chốn…

Sau khi Ba mất, anh em Hồng Minh được Má tiếp tục chăm sóc nuôi dưỡng. Nhưng cuộc sống vẫn cứ khó khăn, Má cũng ngày một gìa yếu, anh em Hồng Minh thì không biết làm nghề gì. Một ngày kia hai anh em dắt díu nhau lên Đắc Lắc kiếm kế sinh nhai. Năm 1995, hai anh em mới dành dụm được chút tiền về thăm quê ngoại, thăm Mẹ sau nhiều năm ly biệt. Nhưng đau lòng lắm, vì mẹ vẫn cứ dửng dưng như vậy, cứ lặng lẽ nhìn hai con với sự hờ hững của người vô cảm. Trong khi đó các cậu, các dì và người thân thì mừng khôn xiết. Ngậm ngùi, tủi phận, anh viết bốn câu tứ tuyệt:

Trở lại quê hương, ước cánh diều…

Nhà nghiêng bóng mẹ nắng liêu xiêu

Khóc đoàn viên tản, con hờn gió

Sương đọng hoàng hôn đổ ngược chiều.

(VÔ ĐỀ)

Biết trách hờn ai đây trước cảnh gặp lại gia đình, gặp lại mẹ già cắt lòng như vậy? chỉ biết hờn với gió, khóc trong chiều hoàn hôn mà nước mắt nào có tuôn rơi! Giá mà nước mắt cứ trào ra ngoài được thì có thể nhẹ đi, vơi đi một phần nỗi cay cực trong lòng chăng? Nhưng nghiệt ngã lắm, Hồng Minh khóc thương mình, thương mẹ mà nước mắt chỉ đọng thành những giọt sương chiều, đổ ngược vào lòng. Phải thấm đến tận cùng nỗi đau đớn, xót xa trong tâm can mình thì mới có thể viết được như vậy.

Qua thời gian dài vất vả, kiếm sống ở Đắc lắc, mới tạm ổn định việc làm, hy vọng có cuộc sống đỡ phần vất vả thì anh hay tin Má ở quê bị bệnh nặng. Anh đành bỏ lại tất cả để về phụng dưỡng. Với anh, Má tuy không sinh thành nhưng đã nặng công dưỡng dục anh nên người. Sau 3 năm được anh tận tâm nâng giấc, tuổi già sức yếu, Má anh đã mãi mãi đi xa. Xót thương cuộc đời cay đắng và kính nể sự hy sinh thủy chung, nhân hậu của Bà, anh đã viết tặng Má bài thơ SẮT SON (Bài thơ này đã được anh thuê đánh máy vi tính và treo bên bàn thờ Má):

Non nước đâu còn cảnh chiến tranh

Mà tơ duyên đứt nối không thành!?

Dòng sông ai đặt mùa thương nhớ

Để suốt đời nghe gió tiễn canh.

Bông lúa vàng so lời hẹn ước

Thủy chung lòng sánh bóng trăng xanh.

Nồi Rang* một sớm thuyền lơi bến

Cửa Đại* ngàn năm sóng bủa gành.

(*: Nồi Rang, Cửa Đại là những địa danh)

Rồi em trai Hồng Minh bị bệnh, không phải bệnh ngơ ngơ ngẩn, trầm uất như mẹ, mà bệnh lúc nhớ, lúc quên, lúc thao thao bất tuyệt. Bao nhiêu tiền bạc hai anh em dành dụm được lại lo cho việc chữa bệnh cho em. Em đỡ bệnh rồi thì lo cho em học nghề… Và khi bà mẹ thân sinh mất ở Chí Linh (2008), do làm ăn lưu lạc không kịp hay tin, rồi hoàn cảnh khó khăn hai anh em không thể làm sao về được. Mãi đến 49 ngày sau, Hồng Minh về thăm mộ mẹ ở Chí Linh. Nhớ lại nguồn cơn, anh lại viết CON VỀ THĂM MẸ vừa là để tạ lỗi với Mẹ, mà cũng vừa như là kiểm lại lòng mình vậy:

Xa cách đôi trời thương nhớ quanh

Con về thăm mẹ giữa đồng xanh

Thờ ơ têm khổ tâm Dì, Cậu

Hờ hững càng đau dạ Chị, Anh.

Xứ Quảng đã đền ơn dưỡng dục.

Hải Dương cam phụ nghĩa sinh thành.

Mẹ ơi! Lượng thứ cho con trẻ

Nam Bắc hồn thơ lệ thất thanh.

Đứng trước thềm tuổi bốn mươi, trải qua bao gian truân vất vả, giờ đây Hồng Minh cùng vợ và con gái 3 tuổi sống rất đạm bạc trong căn nhà Tình nghĩa trên dưới hai mươi mét vuông do quỹ Đền ơn đáp nghĩa của xã xây cho. Nền nhà tráng xi măng, mái lợp tôn xi măng, không có trần. Một chiếc tủ đứng nhỏ bằng gỗ đã đã bạc thếch được kê giữa gian trước để làm tủ thờ Ba Má. Chiếc giường mộc một mét hai làm chỗ ngủ cho cả 3 người được kê ở gian dưới. Quần áo mới, cũ đều mắc tất cả trên dây. Bước ra ngoài thềm trươc là sân toàn cát trắng, bước ra sau vườn cũng toàn cát trắng… Vợ chồng anh vừa làm ruộng, vừa nuôi heo. Anh còn là thợ cắt tóc, nếu có ai kêu thì chạy xe ôm phụ thêm tiền cho sinh hoạt gia đình. Hồng Minh biết rất rõ hoàn cảnh khó khăn của mình. Ba anh là Trưởng tộc, anh là con trai đích tôn nhưng lại ít tuổi hơn anh em dòng họ rất nhiều (ba sinh anh lúc đã hơn 45 tuổi). Hàng năm vợ chồng anh phải lo bao nhiêu đám giỗ của họ tộc, lại còn bệnh tình của em trai lâu lâu lại tái phát…. Phận nghèo thiếu trước, hụt sau, nhưng anh không bi quan, sống khép mình như Ba anh trước đây. Anh tham gia vào các hoạt động xã hội ở thôn xóm, mừng với sự đổi thay từng bước của quê hương và hy vọng rồi dần cuộc sống của gia đình anh sẽ đỡ chật vật hơn. Anh Viết:

Duy Nghĩa hôm nay sáng điện đường

Ngời gương anh dũng đẹp quyê hương

Ruộng đồng xao xuyến bao công xưởng

Làng xóm bâng khuâng những phố phường.

Cửa Đại cầu xây tình xứ sở

Thu Bồn lụa dệt nghĩa yêu thương

Đời dân hạnh phúc vui no ấm

Quê cát giờ đây ngập ánh dương.

(SANG TRANG)

Và mới đây nhất, như là một tiếng reo vui, tươi sáng trong tâm hồn được thốt lên vào một sớm mai, trên chuyến đò qua sông Thu Bồn, Hồng Minh đã viết:

Gió dậy Thu Giang sóng Thuận Tình

Con đò vẫn cập bến hư vinh.

Ô kìa! Ai đã sang bờ giác

Vui cõi chân không vẫy gọi mình!

(QUÁ GIANG)

Mong sao, đời không phụ lòng người. Cầu chúc cho Hồng Minh sẽ gặp được nhiều may mắn và niềm vui trong cuộc sống.

Nha Trang - 16/9/2011

MH

Ngẫu hứng mùa thu

Xướng

Mùa thu sương khói cuối đường thơ
Lá rụng đường xưa đậm sắc mơ
Người ở nơi đâu nhìn khuất bóng
Cho ta thương nhớ đến bao giờ

20/10/2011
Khắc Nguyệt - Thanh Dạ



Họa


Thu ngả về đông đọng ý thơ
lung linh huyền ảo thật như mơ
Bóng người hút nẻo đường xưa vắng
Ta vẫn lặng theo mãi đến giờ.


20/10/2011
MH

Tiễn thu



Gửi chút nắng hanh cho áng mây
Tiễn Thu, Đông đội nón heo may
Choàng khăn sương khói lòng man mác
Khoác áo rừng phong mắt bỗng cay !


21/10/2011
MH

Thứ Năm, 24 tháng 11, 2011

LẴNG HOA NGÀY SINH NHẬT

Truyện ngắn của Minh Hương





Ngỡ ngàng trước lẵng hoa hồng tươi thắm trên bàn, chị thẫn thờ sau khi đọc dòng chữ trên tấm bưu thiếp: “Mừng sinh nhật em, chúc em mãi mãi xinh tươi và hạnh phúc”. Chị thấy nôn nao cái cảm giác lần đầu chị nhận hoa anh tặng.

Kỷ niệm Ngày mùng tám tháng ba năm ấy, chị đang là cô sinh viên năm thứ nhất. Tất cả còn rất mới mẻ vì thời gian bước vào môi trường Đại học chưa lâu. Lớp chị tổ chức ‘HÁI HOA’ tìm hiểu về ngày Quốc tế Phụ nữ. Ban Giám khảo đều là những nam sinh viên của lớp chọn ra. Mỗi câu hỏi thi được cài làm nhị của một bông hoa. Các nữ sinh của lớp đều phải dự thi…
Đến lượt chị lên trả lời. Bông hoa mà chị chọn là một bông hồng mang câu hỏi: “Bạn hiểu gì về ngày 8-3?”. Chị trả lời khá lưu loát, hấp dẫn. các vị giám khảo gật đầu lia lịa. Chị định về lại chỗ ngồi sau khi hoàn thành xong phần thi của mình thì một vị Giám khảo khá điển trai vội đứng lên nói:
- Bạn Hồng Minh trả lời rất hay, rất đúng, nhưng với riêng bạn thì… chưa đủ. Vị Giám khảo vừa nhìn chị nháy mắt, vừa quay lại phía dưới nói:
- Ngày mùng tám tháng ba còn là ngày sinh nhật bạn Hồng Minh, hôm nay bạn vừa tròn mười tám tuổi. cả lớp ta cho một tràng pháo tay chúc mừng bạn… Tiếng vỗ tay và tiếng cười nói rào lên. Thật bất ngờ và quá ngạc nhiên, chị không hiểu vị Giám khảo này làm thế nào lại biết được điều riêng tư của mình. Vào lớp được mấy tháng, chị còn ngại chưa nói chuyện với ai về sinh nhật của mình… Khi tiếng vỗ tay vừa dứt, vị giám khảo tiến đến gần chị nói tiếp:
- Thay mặt Ban giám khảo và nhân danh cá nhân, tôi xin tặng bạn một bông hoa. Chúc bạn mãi mãi xinh tươi và hạnh phúc.
Anh rút bông hồng trên túi áo ngực không biết đã cài sẵn từ lúc nào trao cho chị. Chị bối rối, hai má nóng bừng, tay run run đón nhận bông hoa từ tay anh, miệng lí nhí nói lời cảm ơn rồi lao về chỗ ngồi gục đầu xuống bàn, tim đập loạn xạ bởi ánh mắt cháy bỏng của anh. Tiếng vỗ tay reo hò của cả lớp lại rào lên:
- Hoan hô Giám khảo Tuấn…, Một Giám khảo tuyệt vời…!
Kể từ ngày ấy, sinh nhật nào Tuấn cũng tặng hoa cho chị, không phải một bông mà cả một lẵng hoa với số bông bằng tuổi của chị, trong đó bao giờ cũng có một bông hồng nhung đỏ thắm cài thiệp chúc mừng ghi dòng chữ “bông hồng 8-3, chúc em mãi mãi xinh tươi à hạnh phúc!”…

Họ đến với nhau như thế. Thật ngọt ngào, êm dịu! Theo thời gian, tình yêu của hai người cứ đầy ắp kỷ niệm. Nhưng cuộc đời thật éo le! Có những con sóng bất ngờ đưa ta dạt vào bén bờ xa lạ… Sau khi tốt nghiệp, để có việc làm theo nghề đã được học, anh phải tạm xa thành phố lên một tỉnh miền núi công tác. Chị chần chừ không muốn đi xa, nằm lại thành phố chờ một dịp may. Anh không thể chần chừ vì hoàn cảnh gia đình anh rất khó khăn, chỉ mong anh chóng ra trường có việc làm để đỡ gánh, có điều kện cho các em của anh được học tiếp như anh. Thời gian đầu, chị vẫn nhận được thư của anh. Chị viết thư trả lời với bao tâm sự nhớ nhung và đầm đìa nước mắt. Sau đó, đột nhiên chị không trả lời thư anh nữa mặc dù anh vẫn có thư về đều đặn. Gần một năm xa nhau, anh nóng lòng không hiểu sao chị bặt tin. Sắp xếp mãi, anh mới dứt ra khỏi công việc về thăm nhà và chị. Quá ngỡ ngàng và đau khổ trước sự thật, chỉ còn ba ngày nữa là chị lấy chồng. Không kịp nghỉ ngơi, không cần tìm hiểu, anh quay trở lại nơi công tác ngay hôm ấy…

Chồng chị là một giảng viên Đại học mới ở nước ngoài về. Nhờ chồng, chị được nhận vào làm việc ở phòng thí nghiệm của trường, nơi anh đang giảng dạy. Cuộc sống đang rất khó khăn khi đất nước vừa dứt chiến tranh, được sống giữa Thủ đô đối với chị thật là may mắn. Chị đã đạt được điều mình mong muốn. Chỉ có một điều chị đã day dứt và cả đời đau khổ đó là chị đã phải chấp nhận và lựa chọn đánh đổi tình yêu của mình. Rồi cuộc sống vẫn là cuộc sống, như bao nhiêu người đã thở dài chép miệng: vợ chồng là duyên nợ trời định… Chị làm vợ, làm mẹ trong một gia đình mà theo chuẩn mực lúc đó là gia đình “lý tưởng”. Nhưng những bạn bè biết rõ mối tình của chị với Tuấn trước đây thì chỉ im lặng lắc đầu.
Sinh nhật nào chị cũng nhận quà của chồng. Khi là một chiếc khăn choàng, khi thì đôi bông tai, chuỗi hạt cườm, rồi một cái trâm cài áo… tất cả đều rất “mốt”, rất đắt tiền vì toàn là “đồ xin” anh sắm từ nước ngoài. Nhưng chưa bao giờ là một lẵng hoa hồng có số bông bằng tuổi của chị. Sinh nhật này, chồng chị đang công tác nước ngoài lại vừa gửi về cho chị một bộ trang sức bằng bạch kim, mà dân chơi vẫn gọi là “vàng trắng”. Để khỏa lấp nỗi nhớ “Người xưa” mỗi khi nhận quà tặng sinh nhật của chồng, chị thường đem khoe với chị em bạn gái. Họ cứ xuýt xoa khen đẹp, khen chồng chị biết chọn quà hợp với chị… Mỗi lần như vậy, chị biết mình đã lầm, càng phô trương những thứ hàng hóa mình đang có, lòng chị càng thêm xót xa. Những tiếng thở dài thường cứ lặng lẽ theo chị bao nhiêu lần rồi và hình như mỗi lần tiếng thở ấy càng dài hơn, nặng hơn…

Thấm thoát thế là đã hơn mười lăm năm, đứa con trai duy nhất của vợ chồng chị đang học lớp mười. Dù rất yêu vợ, song công việc và những chuyến công cán nước ngoài đã chiếm gần hết thì giờ và tâm huyết của chồng chị, vì bây giờ anh đã chuyển về Bộ công tác, có vị trí rất quan trọng trong công cuộc Cải cách giáo dục của Nhà nước. Còn chị, từ phòng thí nghiệm chị đã được chuyển lên đứng lớp và trở thành giảng viên của Trường. Theo trào lưu đương thời, chị cũng đang theo học Thạc sĩ… Cuộc sống giàu sang, nhung lụa của chị hiện giờ khó có ai bì kịp. Chị gần như toại nguyện về tất cả. Vậy mà chị vẫn cảm thấy thiếu hụt một thứ gì đó. Rồi chợt chị giật mình nhận ra cái cảm giác cô đơn, lạnh lẽo trong tâm hồn mình. Nó âm ỉ, lặn sâu vào tâm não chị suốt bao nhiêu năm qua. Chị càng muốn dìm sâu nó xuống tận đáy tâm hồn thì nó lại cứ muốn trào lên, vây hãm, day dứt chị. Chao ôi! Người ta có thể tạo dựng một cuộc sống đủ đầy, nhưng không bao giờ có thể vắt nặn được tình yêu…

Nhìn lẵng hoa để trên bàn, không đếm chị cũng biết tất cả có bao nhiêu bông. Ôi, cái tuổi mười tám ngày nào… Bây giờ chị đã là một thiếu phụ… Không biết Tuấn hiện đang ở đâu, bằng cách nào anh gửi đến chị lẵng hoa này. Bông hồng nhung thắm đỏ cùng dòng chữ nắn nót của Tuấn cứ nhòe dần, nhòe dần… Chị đã có một tình yêu như thế! Nhưng tất cả đều là quá khứ, dĩ vãng đã xa rồi. Có một lần chị gặp cô bạn gái học cùng lớp. Cô bạn cho chị biết Tuấn đã chuyển về miền Nam công tác, làm giám đốc một công ty dịch vụ kỹ thuật điện máy. Chị rất muốn hỏi thêm về Tuấn nhưng cứ thấy bối rối, ngại ngùng bởi lẽ thời gian gặp cô bạn thì quá ngắn ngủi mà sự thẹn lòng thì cứ trào dâng. Rồi cuộc sống lại cứ thế trôi đi… Căn phòng lặng ngắt trong hương thơm nhè nhẹ của những bông hồng làm thức dậy trong chị bao nhiêu kỷ niệm. Chị với tay cầm tấm thiếp đọc lại thật chậm rãi lời chúc của Tuấn. Thật là thân quen mà sao xa vời vợi. Bất chợt, chị đọc được dòng chữ rất nhỏ phía dưới cùng của tấm thiếp: … Phòng số… Khách sạn…
Không kịp nhìn lại dung nhan, diện mạo của mình, chị vội vàng cầm túi xách, dắt xe máy ra khỏi nhà… Khách sạn Thiên Thanh đây rồi. Dựng xe xong chị đi thẳng đến phòng lễ tân. Cô gái trực mặc bộ áo dài màu thiên lý giở sổ xem và trả lời chị.
- Phòng số 6 hiện đang có vị khách tên là Trần Tuấn đang nghỉ. Ông ở Cần thơ mới đến sáng nay…
Chị cảm ơn cô gái rồi xin phép được lên phòng. Đứng trước cửa phòng, tim chị dập thình thịch. Sau khi vuốt lại mái tóc đang đổ xòa trước trán, chị giơ tay lên, những ngón tay co lại trong tư thế gõ cửa run run…
- … Cốc, cốc … Không phải tiếng gõ cửa vì những ngón tay co lại kia chưa chạm đến cánh cửa. Tim chị muốn nổ tung ra. Chị cố trấn tĩnh, giơ tay một lần nữa, nhưng không thể!...
Đột nhiên chị quay lại chạy thẳng ra cổng khách sạn như có ai đuổi. Cô gái trực lễ tân ngơ ngác. Không kịp chào cô, chị lập cập lên xe, loạng choạng lao ra đường phố. Không chủ định mà xe đã rẽ lối qua Hồ tây. Tự nhiên xe chạy chậm lại, chị thả ga mặc cho xe lăn bánh từ từ. Nơi đây có biết bao nhiêu kỷ niêm của anh và chị. Chị thấy môi mình mặn chát, rồi cảm giác ấm nóng, ướt đẫm khuôn ngực đang thổn thức của mình. Không dừng xe, chị cố chạy về nhà.
Căn nhà thanh lặng dưới ánh sáng leo lét của những ngọn nến đang cháy gần hết. Chỉ có mùi hương của hoa hồng đã tỏa lan khắp nhà, không còn thoảng nhẹ nữa mà đã trở nên nồng nàn như muốn nói với chị bao điều. Lòng chị lắng xuống. Lấy tấm thiếp của Tuấn ra đọc lại một lần nữa, chị với cây bút trên bàn và ghi vào đó vài dòng, sau đó xếp lại và cho vào một cái phong bì mới. Việc còn lại là của ngày mai… Chị lặng lẽ bước đến bên cửa sổ nhìn xuống đường. Phố phường cũng đang bắt đầu vào sự yên tĩnh của đêm. Thế là ngày mai, tất cả lại diễn ra bình thường theo guồng quay cuồng nhiệt của cuộc sống, chẳng cần biết đêm nay, có mấy ai như chị đã phải vật lộn, chao đảo trước sóng gió của cơn bão lòng.


Nha Trang
7 - 1993

Ước gì

Nhân ngày gặp lại thày cô, bạn bè
tại Thị xã Chí Linh – 16/11/2011


Ta về gặp lại tuổi thơ
Thày cô, bè bạn chuyện trò ríu ran
Miệng cười mà dạ miên man.
Theo dòng ký ức nối vần yêu thương
Nghe đâu đây tiếng trống trường
Thấy như bụi phấn còn vương tóc Thày.

Lại về với Chí Linh đây,
Vọng vang lời Hịch - giọng thày năm xưa.
Chuyến đò năm ấy đón đưa,
Hôm nay gặp lại ngỡ vừa sang sông.
Chợt nghe khắc khoải trong lòng
Ước gì lại được qua sông…đò Thày!

Ghi lại, Nha Trang – 18/11/2011

Thứ Sáu, 7 tháng 10, 2011

Nỗi nhớ chiều cuối thu

Nghe ngoài ấy lao xao mùa rươi,
Ở trong này lại cồn cào nỗi nhớ.
Nỗi nhớ tê đầu lưỡi,
Ngập vào lòng xào xạc thu mơ.


Ơi Chí Linh, tuổi thơ một thưở,
Heo may vàng mắt biếc vu vơ.
Vở học trò,
Hương cốm nguyên tươi.
Đợi ngày rươi,
Vỏ quýt khô
Ấp ủ.

Cuối thu rồi,
Trong này Nha trang mưa.
Lại khắc khoải chút hanh hao ngoài ấy:
Trong vắt tiếng cười ai,
Giữa khoảng trời chợt mưa bóng mây.
Kìa má ai đỏ hây,
Trong sắc nắng giao mùa…

Chí Linh ơi!
Thầm mong ngày gặp lại
Giữa đất trời
Mưa - nắng - heo may.


Chiều mưa – Nha Trang
MH -05/10/2011

Thứ Sáu, 22 tháng 7, 2011

Vô đề



Nhớ bạn đưa chân ra với biển
Thả hồn theo gió gọi trăng lên
Miên man đếm sóng lòng vơi nhẹ
Mê mẩn cùng trăng dạ bỗng yên

22/7/2011
MH

Thứ Năm, 14 tháng 7, 2011

Bến mơ




Nha Trang ơi! nắng cứ vàng,
Biển xanh ngút mắt, mênh mang mây trời.
Bến mơ ngày ấy xa rồi,

Sóng còn nức nở mãi lời thề xưa.
Bãi Tiên đó, Hòn Chồng kia,
Đây cầu Xóm Bóng, Tháp Bà nghiêng soi…

Còn mình ta với biển thôi,
Bến mơ hoài niệm nửa đời chơi vơi!
Hoàng hôn rớt vội cuối trời,
Chân mây thẳm khuất xa vời bóng ai !?


Nha Trang – 4/7/2011
MH

Chủ Nhật, 5 tháng 6, 2011

Kính tặng thày Nguyễn Minh Tư

Chung vui
(Kính tặng thày Nguyễn Minh Tư sau khi đọc bài
EM TÔI)

Thày trò tóc đã đổi màu,
Bây giờ gặp lại nhận nhau “họ hàng”.
Lại còn cùng xóm cùng làng,
Thầy nhận em gái, trò mừng thêm anh.
Đúng là họ Nguyễn, đệm Minh,
Xóm Tri Ân chỉ có “anh em” mình.
Vui sao tang tính tình tinh,
Cuộc đời ơi - khúc tâm tình Tri Ân!

Đã từng vạn nẻo xa gần,

Đã từng thấm hiểu thiệt hơn ở đời.
Đã từng sướng khổ đầy vơi.
Ngọt bùi, cay đắng thầy ơi đã từng...
Chắt chiu gạn đục khơi trong,
Nghĩa nhân giữ lại cho lòng thảnh thơi.
B-log Tri Ân cuộc đời,
Thày trò mình với mọi người chung vui.


MH – 28/5/2011

Thứ Sáu, 3 tháng 6, 2011

EM TÔI


Tặng N.M.H

Em gái tôi họ Nguyễn Minh ,
Khác cha, khác mẹ ,nặng tình quê hương .
Học xong rời ghế nhà trường ,
Em tôi biền biệt biết phương nào tìm ,
Bao năm sóng gió nổi chìm ,
Nghĩa thày tình bạn đức tin sáng ngời .
“Tri Ân”là nghĩa ở đời ,
Gặp em sống lại một thời đã qua .
Thày trò bóng đã xế tà ,
Bây giờ được sống liền nhà bên nhau .
“Tri Ân”nối lại nhịp cầu ,
“Gia đình” đoàn tụ bao lâu cách vời?...
Cám ơn” Tri Ân Cuộc Đời”!
Tình làng nghĩa xóm muôn đời không quên…

Đ.T 04 052011
Thày giáo Nguyễn Minh Tư

Nhớ...


Tỏ lòng tri ân.

(nhân kỷ niệm Blog Tri ân cuộc đời tròn một tuổi)

Bao năm xa lớp xa trường

Nghĩa thày tình bạn trong lòng không phai

Đường đời năm tháng rộng dài

Mong sao có được một ngày gặp nhau

Như là có phép nhiệm màu

Tri ân hội ngộ bên nhau xum vầy

Thầy cô, bè bạn vui thay

Trước xa xôi thế mà nay thật gần

Cùng trong xóm nhỏ Tri Ân

Liền nhà sát ngõ ân cần sẻ chia

Khi rạng sáng, lúc đêm khuya

Nửa chiều, tròn bóng đi về có nhau.

Văn thơ một dạ trước sau

Vui buồn tâm sự ngọt ngào yêu thương…

Bây giờ thỏa nỗi ước mong

Đôi vần to nhỏ tỏ lòng tri ân.

MH- 31/5/2011

Thăm bạn


Đến Vĩnh Long
(thương viếng hương hồn bạn Bùi Phi Nga)

Đến thăm bạn ở Vĩnh Long
Miền xa, đất lạ ngập lòng xót thương.
Biết là cách biệt âm dương
Mà sao như ngỡ trùng phùng Nga ơi!

Nghẹn ngào nói chẳng nên lời
Bên bàn thờ bạn lệ rơi nhạt nhòa.
Bao nhiêu kỷ niệm vỡ òa:
Tuổi thơ chồng nụ xòe hoa, trốn tìm
Lại còn chặt củi, hái sim…
Bên nhau ríu rít như chim một bầy

Cuộc đời chìm nổi ai hay
Bây giờ bạn đã nhẹ bay về trời
Chồng con để lại giữa đời,
Mồ côi, góa bụa bời bời nhớ thương
Bàn thờ vẫn đượm khói hương,
Cơm thường đến bữa vẫn không quên mời…(*)

Bạn nằm đây giữa đất trời,
Mồ yên mả đẹp ấm nơi bạn nằm
Miệt vườn quê nội ru êm
Suối vàng bạn nhé giấc hiền ngàn thu.



MH - 13/5/11
(*) - Đã ba năm rồi Bạn mãi đi xa mà đến cơm, chồng con
vẫn xới cơm mời Bạn về ăn.

May quá, mở được cửa rồi!

Thế là lại vào được nhà mình. Phải đi đường vòng qua cửa picasa. Tưởng là phải đóng cửa mãi rồi. Hôm nay bất ngờ lại vào được. Nhưng không biết ngày mai có bị khóa nữa không? hu hu hu...

Không cần biết. Đó là việc của ngày mai. Còn bây giờ đăng bài đã! Trước hết là cười thật tươi một cái, he he he...


14giờ 30 phút - 03/6/2011.

Thứ Sáu, 15 tháng 4, 2011

Hai mươi năm mồ côi

Mẹ già như chuối chín cây
Gió lay mẹ rụng con phải mồ côi
Mồ côi, tội lắm ai ơi!...


Má ơi!
Thế là đã hai mươi năm rồi, chúng con sống cảnh mồ côi cả cha lẫn mẹ. Sao ngày ấy Ba và Má lại rủ nhau cùng đi để lại chúng con bơ vơ ngơ ngác trên cuộc đời này? Mỗi khi cất lời hát những câu ca trên, tim con nhói buốt, lòng con lại quặn thắt... Mồ côi! Ai rồi cũng phải có ngày lìa xa cha mẹ của mình. Cha Mẹ già như quả chín trên cây, như lá vàng trước mùa lá rụng… Nhưng Ba Má ơi! Với con, Ba Má chưa đến tuổi già. Đúng độ tuổi để hưởng thụ hạnh phúc cuộc đời, thì Ba Má lâm bệnh nặng rồi vội vã ra đi. Nào đã kịp “chín”, kịp “vàng “ cho cam. Quả chưa chín, lá chưa vàng… vậy mà đã vội lìa cành… Hai mươi năm đã qua. Ôi! nhắm mắt lại, chỉ như là mới hôm qua, chỉ là một cái chớp mắt thôi ư? Vậy nên tất cả còn vẹn nguyên trong ký ức của chúng con… và mãi xót xa, tiếc nuối, cả những ân hận vì đạo làm con có lúc chưa tròn...

Dẫu biết, thời gian Ba Má bệnh khá lâu, nhưng với chúng con, sự ra đi của Ba Má vẫn đột ngột quá, nhanh chóng quá, và dồn dập quá, cả bốn chị em đều không lường hết được. Không ai nghĩ Ba lại đi trước Má, và cũng không ai nghĩ Má lại đi ngay sau đó chưa đầy một tuần… Nhưng đó là trời định… Biết vậy mà chúng con vẫn không thể tin được dù đó là sự thật. Vì đó là sự thật nên chị em chúng con phải buộc lòng đối mặt, phải tự mình lo Đại tang với sự giúp đỡ của bà con, bạn bè thân thích, cũng như chúng con đã từng lo chăm sóc Ba Má trong những ngày bệnh trọng. Để rồi sau đó là sự thiếu vắng, hụt hẫng đến kinh hoàng. Hai bàn thờ ngày nào cũng đỏ nhang, đêm đêm em Trung trải chiếu nằm phục ngay trước bàn thờ Ba Má…

Ngày ấy, không như chị Hà và em Trung, chỉ lặng lẽ nuốt nước mắt, con lăn lộn, gào thét. Con phải khóc, nếu không thì con sẽ phát điên mất. Trời ơi! có thấu được không …Người nhiều nước mắt như con thì làm sao chịu được trước cảnh nhà tang chồng lên tang, chị gái thì bụng mang dạ chửa, em gái thì sinh non nằm ở bệnh viện không được cho hay tin Má mất, cháu ngoại chào đời, bà chưa kịp nhìn mặt đã vội ra đi, em trai thì bơ vơ ngơ ngác ngác chưa biết ngày hỷ đã phải lo Đại tang. Con làm sao mà không gào lên được chứ, hết gào thét thì lại tức tưởi, ấm ức tiếc thương đứt ruột hai người yêu quý nhất đời của mình. Bao nhiêu năm tháng qua, con chỉ biết lùi lũi cùng chị em lo chăm Ba Má, vậy mà hà cớ chi hai người lại rủ nhau cùng đi như thế chứ. Con đã xin nghỉ việc một lần, mong là lo mọi chuyện cho Má xong sẽ dành thời gian chăm sóc Ba nhiều hơn. Vậy mà... Trời hỡi trời! Sao đành vậy chứ... Con khóc để còn đủ tỉnh táo cùng em Trung, chị Hà lo hậu sự cho Má, còn thay Má chăm em Vân Anh sau khi khi ở nhà hộ sinh về ... Má ơi! Bao nhiêu năm rồi, bao giờ nhớ lại ngày ấy, con không thể cầm lòng. Cũng như giờ đây, lệ nhòa trang viết. Má có biết không đã có lần một mình nhớ Ba Má, con đã đóng cửa và gào thật to cho thỏa nỗi đau. Cho đến giờ, dù biết phải chấp nhận sự thật, nhưng từ sâu thẳm lòng con vẫn không thể nguôi ngoai nỗi đau mất cha, mất mẹ nghiệt ngã, hy hữu như thế…

Rồi cuộc sống vẫn quay đều theo guồng quay của nó. Chúng con lao vào công tác, làm việc, mưu sinh… và lấy vợ cho em Trung. Chúng con đã chuyển và xây lại nhà đẹp cho Ba Má về Nghĩa trang Phước Đồng để gần gặn với chúng con và yên tĩnh cho Ba Má hơn. Giỗ ba má năm 2008, bác Cương, bác Hân ở Bình Định, em Liên con cô Lộc ở Đà Nẵng, những người cùng công tác với Má hồi ở Nông trường Chí Linh đã về thăm. Chúng con đã tìm lại được đồng đội của Ba hồi ở Trường Sơn. Năm ngoái, anh Thế và anh Phong từ ở Bắc Giang, Chí Linh đã vào thăm và thắp nhang cho Ba Má. Giỗ năm nay, Vợ chồng anh Nghị ở Thanh Hóa, anh Thạo, anh Thảo ở Đồng Nai cũng về thăm. Hàng năm, em Trung và chúng con vẫn thường dự các buổi gặp mặt đồng đội của Ba hồi còn ở Sư đoàn 470. Những lần em Trung đăng cai địa điểm tổ chức, các chú về gặp mặt vui vẻ, kể nhiều chuyện về Ba và vào thắp nhang cho Ba Má. Nhiều năm liền, ngày thành lập Công đoàn, ngày tết, Công Đoàn thành phố cũng đến tặng quà và thắp nhang cho Má. Chúng con nghĩ đó là những niềm an ủi động viên tinh thần quý giá nhất, không có gì quý hơn thế. Mối lần gặp lại đồng đội, đồng nghiệp của Ba Má như vậy, chúng con lại được nghe nhiều chuyện vui có, cảm động có về Ba Má. Chúng con luôn tự hào về Ba Má. Đó là nguồn sức mạnh vĩnh hằng giúp chúng con vượt lên khó khăn để có được cuộc sống như hôm nay. Chị Hà và con đã nghỉ hưu. Vân Anh và Trung còn tiếp tục công tác. Gia đình chúng con đều ổn định, các cháu ngoại của Ba Má đã trưởng thành, đều đã tốt nghiệp phổ thông, đứa còn đang tiếp tục học, đứa đã đi làm. Hai cháu Nội của Ba Má, Hữu Vượng học lớp 9, Minh Hằng học lớp 7. Ước mong của Má ngày nào: Cho chúng con ăn học để biết sống làm Người đã thành hiện thực. Chúng con cũng đang dốc lòng nuôi dạy các con của mình như Ba Má đã dạy chúng con hồi nhỏ.

Vì ở gần nhau, nên mấy chị em chúng con luôn có nhau lúc vui cũng như lúc buồn, thường giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Em dâu ngoan hiền và được các chị thương như em gái. Những lúc khó khăn, được ở bên nhau, chúng con lại nhắc lại lời Má : Chỉ mong sau này các con được sống gần nhau để Đông có mày, Tây có tao. Chúng con biết để được ở gần nhau như bây giờ là chúng con được hưởng phúc lớn của Ba Má…

Má ơi, hai mươi năm đã qua. Bây giờ cả bốn chị em con đều đã bước vào hoặc đã qua cái tuổi mà Ba má ngày ấy ngã bệnh. Năm nay em Trung 49 tuổi (tính theo tuổi ta là 50), đúng bằng tuổi của Ba khi bị tai biến. Vân Anh thì đang bằng tuổi Má lúc ủ bệnh (52 tuổi). Không giàu sang, nhưng chúng con vẫn luôn nhắc nhở nhau phải biết giữ gìn và chăm sóc sức khỏe. Những bệnh mà Ba Má đã mang trước đây, bây giờ rất nhiều, nhưng y học hiện đại và cổ truyền phát triển đã hạn chế được nhiều lắm. Vì vậy nghĩ lại chúng con đều thương Ba Má đến thắt lòng, không thể không tiếc nuối. Đã có lúc chúng con nói với nhau: Giá như ngày ấy được như bây giờ, chắc là Ba Má không bỏ lại chị em mình sớm đến vậy… Nhưng mà ở đời đã có biết bao nhiêu cái “giá như” mà không “được như”, nên chị em chúng con lại đành ngậm ngùi mà chấp nhận sự thật…

Nơi suối vàng, Ba Má hay yên giấc ngàn thu, đừng lo cho chúng con nhiều nữa. Chỉ mong Ba Má luôn về nhắc nhở cho cháu Hữu Vượng và Minh Hằng chăm học để khôn lớn nên Người.


15/4/2011

MH