< Blog Chominh không có nghĩa là chỉ cho riêng mình, nó chỉ là những entry mình viết và sưu tầm cho mình . Rất mong các bạn ghé thăm và chia sẻ >

Thứ Ba, 27 tháng 7, 2010

Vườn mai

( Ảnh chỉ có tính minh họa )

Về đến nhà, thấy lá mai rơi đầy ngõ, tôi chạy thẳng ra vườn, định hét thật to để đem đến cho cha tôi sự bất ngờ. Nhưng tôi chững lại. Có lẽ không gian tĩnh lặng, êm ả của khu vườn nhắc tôi đừng ồn ào.

Cha tôi đang chăm chú lặt lá mai nên không biết sự xuất hiện của tôi. Khẽ khàng tiến lại gần cha hơn, lòng tôi se lại vì thấy những nếp nhăn trên khuôn mặt cha đã hằn sâu thêm.

Tôi nhìn ra khắp vườn, chợt nghĩ: "Nếu chỉ để vui thú sao cha trồng nhiều mai đến thế?". Bây giờ những cây mai đã quá cao và đa cành, nhưng mỗi năm khi xuân về, cha tôi chỉ cưa ít cành tặng cho họ hàng, bạn bè thân thuộc làm quà vào dịp tết.

Ông thường nói: "Hồng, cúc, thược dược...chỉ để tô điểm cho ngày xuân thêm hương sắc, còn ngày tết là phải có mai. Đó là loại đồng hồ sinh học báo thời khắc giao thừa giữa năm cũ và năm mới. Ngày tết mai nở nhiều hoa, ra nhiều lộc là hứa hẹn một năm nhiều may mắn, làm ăn phát đạt..."


Tôi đến sát bên cha, ông giật mình rời mắt khỏi cành mai. Thấy tôi, ông vội vàng xuống thang, những nếp nhăn trên mặt giãn ra. Tôi ào đến ôm choàng lấy cha, ghé sát tai cha thì thầm:
- Con bắt đền cha, sao năm nay cha lặt mai sớm vậy? con đã tính về trước vài ngày mà vẫn không kịp.
- Năm nay trời lạnh hơn mấy năm trước, con không thấy sao? Mà thôi, con đi đường chắc mệt, vào nhà nghỉ đã, chiều làm tiếp. Cha cũng có chuyện muốn nói với con.


Đã nhiều lần tôi nghe cha nói, ý tưởng trồng mai này của ông có cùng lúc mẹ tôi sinh tôi. Vườn mai, đó là cách gọi của cha con tôi, thực ra đó chỉ là một khoảnh đất nhỏ với gần chục gốc mai. Khi tôi biết bi bô chơi tha thẩn ở sân vườn thì những cây mai còn bé lắm. Lúc đó trong vườn còn có nhiều cây linh tinh khác, sau đó cha phải chặt đi nhường chỗ cho mai. Cha tôi định ngày lặt mai rất chính xác, vì thế cứ ba mươi, mồng một tết là mai nở vàng cả ngõ. Ngày tôi còn nhỏ, mỗi lần lặt mai, cha thường dắt tôi theo. Tôi chạy nhảy khắp vườn rồi lại nhìn cha làm.

Tôi và mai cùng lớn bổng lúc nào không biết, chỉ biết là đã thành lệ, mỗi năm một lần vào dịp xuống lá mai, tôi lại được cha răn dạy nhiều điều. Mỗi tuổi mỗi lớn, tôi có cảm nhận những điều cha nói trong vườn mai không phải ngẫu hứng mà đều đã được định trước và càng ngày càng có ý nghĩa sâu xa hơn. Nhìn dáng vẻ của cha hôm nay, tôi dự cảm ông sắp nói với tôi chuyện gì đó rất hệ trọng.


***


Mặt trời không còn chiếu những tia nắng xuống vườn mai cũng là lúc cha con tôi vừa lặt hết lá cho cây mai cuối cùng. Trong cảnh chiều tà, những cây mai vừa tuốt hết lá với trăm ngàn cành con trần trụi, tua tủa như những cần ăng ten đang không ngừng phát sóng lên không trung. Tôi nhìn hút theo những ngọn mai cao vút và nghe như tim mình vừa bắt được tần số tiếp sóng của khoảng không tĩnh mịch đang ghi lại cuộc trò chuyện của cha con tôi chiều nay:


Ngày ấy, cha đã ra trường và đi làm được hai năm. Cả tháng cha mới về nhà vài lần. Lúc đó ở nhà chỉ có ông bà nội của con. Các bác, các cô đều đã có gia đình riêng. Một hôm, trong lúc che lại mái nhà bị dột, cha thấy trên hốc cột phía trong bàn thờ có rất nhiều lá bài lạ xếp lớp để trong một chiếc khăn điều bỏ ngỏ. Khi nghe cha hỏi, bà nội con có vẻ thất thần nói: "Chuyện thấy đâu để đó, không được nói lại với ai". Cha nghĩ chắc là ông bà làm phép gì đó. Thực sự, sau đó cha cũng quên chuyện này vì bận việc ở công sở. Một buổi chiều, được nhắn về nhà gấp, cha chắc ông hay bà nội của con bệnh nên vội về ngay. Về đến nơi, trời đã nhập nhoạng mà nhà cửa vắng lặng, không lên đèn. Ông nội ngồi bó gối ở góc phản không trả lời câu chào của cha. Bà nội con nằm trên võng gật đầu có ý nói cha lại gần, rồi hỏi rất nhỏ:
- Con có lấy những lá vàng để trên cột kia không?
- Dạ, vàng nào ạ?
Cha thực sự ngạc nhiên, chưa kịp hiểu ra sao thì bà nội mếu máo.
- Vậy là sao hả con? Má mong con về để hỏi, hai hôm nay ba con khăng khăng...
- Không bà với nó thì ai? Còn ai biết trong nhà mình có vàng? Trời ơi! Tôi đã nói rồi, đói cho sạch... mà sao mẹ con bà không chịu hiểu?
Ông nội con giận giữ đập tay xuống phản, người ông run lên bần bật. Cha chạy lại bên ông nội đỡ lời:
- Ba ơi! vàng nào? Từ hồi nào đến giờ con có nghe ba nói nhà mình có vàng bao giờ đâu, sao ba lại nói chỉ có con với má biết là sao?
Không ngờ ông nội càng tức giận, ông đứng dậy chỉ vào mặt cha:
- Mày không biết thực à, vậy chứ bữa che lại mái nhà, mày nói gì với má mày?
Cha sực nhớ lại và càng ngạc nhiên hơn:
- Đó là vàng? Vàng gì lạ vậy, mà sao vàng lại để ở đó hở ba?
- Chớ nhà mình không rương, không hòm, không cất ở đó thì cất ở đâu? Toàn là vàng lá, vàng ròng... mà mày không biết nó là vàng thì mày lấy nó làm gì?
- Ba hỏi kỳ quá! Con đâu lấy, bữa đó con cũng không rờ tay tới nữa kia, con nghĩ đó là bùa iểm chi đó nên hỏi má, nhưng...
Ông nội bước vội đến võng bà nội hỏi:
- Vậy là chỉ có bà, bà lấy nó làm gì? Trả lại cho người ta. Tôi với bà có nghèo khổ hết đời cũng là cái số rồi, chừng đó cũng không thể giàu được!...


Đôi vai gầy của bà nội rung lên trong tiếng nấc:
- Ông ơi! Tôi ăn ở với ông gần trọn đời, nỡ lòng nào ông không tin tôi?...
Cha tôi ngừng kể và chuyển thang đến một cây mai khác, hình như ông cố kìm một tiếng thở dài rồi đều giọng nói tiếp:


Nhà ông bà nội con nghèo lắm. Dù nghèo, ông bà vẫn cố làm lụng vất vả để cha và các cô, các bác được ăn học. Riêng cha còn được ông bà gửi ra thành phố học và ở nhờ nhà một người quen. Vì vậy, ông bà nội không thể khước từ nhận giúp gia đình người quen đó cất giữ một ít vàng lúc Nhà nước cải tạo tư sản. Họ mang đến một gói vàng nói là hai chục lượng. Ông nội nhận gói vàng, không đếm lại vì cho rằng như vậy là khiếm nhã, sau đó để nguyên như vậy cất lên hốc cột trên trần nhà.

Nhà bị dột, vàng ướt, ông nội lấy ra hong cho khô. Không ngờ hôm đó cha lại nhìn thấy. Ông nội con còn tự vật đầu mình tức tối vì vàng ướt thì có sao đâu mà phải mở ra hong, mà tại sao sĩ diện không đếm trước khi nhận chứ!? biết làm sao đây để mà nói với người ta...


Thực ra, khi họ đến đến xin nhận lại số vàng thì chỉ kêu thiếu một lá!? Ông nội con là người rất trọng danh dự. Việc ông nội nhận cất giữ hộ số vàng là do hàm ơn người đã cưu mang con mình học hành, không ngờ lại xảy ra chuyện thiếu hụt như vậy. Phía người ta thì cứ khăng khăng là đã đếm vàng kỹ trước khi giao. Xưa nay, ông bà nội vẫn tự hào với họ hàng, làng xóm về đức tính "đói sạch, rách thơm", không hề tham của ai một cái gì.

Bây giờ, dù chuyện chỉ có hai gia đình biết ông nội vẫn thấy khổ tâm vô cùng. Ông trở nên đổi tính, buồn bực, bỏ cả việc đồng, giam mình ở nhà. Bà nội con càng đau khổ buồn tủi vì bị ông nghi ngờ. Suốt thời gian sau đó, cha thường về nhà hơn, nhưng cứ bước chân về đến nhà là chạm phải sự im lặng và không khí nặng nề, u ám đáng sợ. Không ai nói với ai, người nọ nhìn người kia bằng ánh mắt ngờ vực, tức giận...


Cha đến nhà người ta, xin họ hãy xem lại vì có thể có sai sót nào đó trong khi giao vàng vội vã chăng? Song thật tàn nhẫn, họ một mực nói không thể có sự sai sót nào cả, đối với họ một lá vàng không đáng gì. Họ rất bực mình vì cho rằng ông bà nội con đã lợi dụng lòng tin của họ để lấy bớt đi một lá vàng. Họ còn nói nếu không có sự thiếu hụt đó, họ sẽ gửi lại mấy lá vàng để trả ơn ông bà...

Lúc đó, cha thật đau lòng vì cảm thấy bị xúc phạm mà không thể nói được gì, cha càng thương và hiểu thêm vì sao ông nội của con bị dằn vặt, day dứt đến thế. Cha vẫn tin ông bà nội của con không bao giờ có sự tham lam, xảo trá như vậy, dù lúc đó một lá vàng đối với nhà mình không nhỏ chút nào.

Làm thế nào để ông bà nội được nguôi ngoai? Cha hy vọng thời gian sẽ khỏa lấp nỗi oan ức này, cha nói với ông nội: trời hiểu mình, mình hiểu mình là được. Cha đã lầm, ông bà nội con ngày càng suy sụp, không tự thoát khỏi mặc cảm về nỗi oan gia này. Cuối cùng, không cầm lòng nổi, cha đã phủ phục dưới chân ông nội, nhận là mình lấy lá vàng đó và đã tiêu xài hết rồi. Cha không bao giờ quên tiếng than của nội con lúc đó.
- Trời hỡi trời! thế là con giết cha rồi Út ơi! Tôi còn mặt mũi nào nhì ai nữa trời?


Nghe tiếng kêu trời của ông, bà nội đang nằm bệt trên giường, lồm cồm bò dậy, rập mình quỳ lạy:
- Ông ơi! Xin ông tĩnh tâm lại, chỉ vì thời vận quá ngặt nghèo, lương nó làm không đủ chi dùng, nhà mình thì thiếu hụt... Ông ơi! Tôi xin ông bớt giận để tìm cách nói khó lại với người ta...


Năm đó, ông bà nội con phải bán chậu mai mà ông nội đã chăm giữ hơn mười năm để mua vàng trả cho người ta, tất nhiên là không đủ một là vàng ròng, thôi thì thêm một lời xin lỗi "Con dại cái mang"...


Cũng từ đó, vô hình chung, cha luôn có một nỗi buồn day dứt. Cha luôn mang trong lòng mặc cảm vì sự thất vọng về đứa con trai út của ba mình. Với ông tội gian tham là tội không thể tha thứ. Chính vì vậy, nhiều lúc lòng kiêu hãnh trong cha trỗi dậy, bắt cha phải nói lại sự thật. Nhưng cứ nhớ đến cảnh nặng nề vừa qua của gia đình, cha lại kìm lòng lại và nghĩ khi thời gian đủ để lắng đọng tất cả. lúc đó sẽ giãi bày với ông bà nội sau...


Một tiếng thở dài bật ra từ lồng ngực cha tôi nghe nhức nhối. Từ đôi mắt nhân từ của ông, nước mắt chảy thành dòng. Tôi ngừng tay lặt mai đến bên cha, nắm cánh tay ông lắc nhẹ:
- Cha à! Chắc là ông bà nội con đã hiểu lòng cha rồi, cha đừng tự dằn vặt lòng mình đến vậy.
Cha tôi gật đầu, tay vuốt nhẹ lên mái tóc tôi và nói: không phải ý nguyện nào cũng đều thực hiện được con ạ! Ông nội của con đã ra đi quá đột ngột, cha về không kịp. Cha đau đớn vô cùng. Nỗi oan mà cha tự buộc cho mình kia đâu có ý nghĩa gì khi nó trở thành nỗi buồn thầm lặng, chất chứa trong lòng ông nội con đến ngàn thu!? Nỗi buồn đó cứ âm ỉ, bóp nát trái tim cha. Ngay sau khi lo cho ông nội con mồ yên mả đẹp, bà nội con đã nói với cha: "Chuyện mất vàng ngày ấy, đêm qua nằm nghĩ lại, má mới hiểu ra tất cả. Con là đứa con có hiếu, có tình. Có lẽ, ba con đã báo mộng về. Ba má quá vì chữ tín với người ta, vì danh dự của mình mà đánh mất lòng tin vào con, dồn ép con phải chịu oan...". Cha được an ủi phần nào, nhưng không thể nguôi được nỗi đau, vẫn thầm nghĩ chỉ khi nào chết mới có thể dãi bày cùng ông nội của con. Nếu cuộc đời không ban tặng mẹ con cho cha, người đã yêu thương cha hết lòng, nếu cha mẹ không có con, có lẽ cha không còn tồn tại trên đời cho đến ngày hôm nay. Vườn mai này cũng chính là nơi chia sẻ với cha những tâm sự mà cha không dễ gì nói được cùng ai. Bây giờ con đã lớn rồi, cha muốn con biết và hiểu những điều vô thường ở đời, mong rằng con luôn sáng suốt và có niểm tin trong cuộc sống...


****


Chuyện của cha đã gieo vào lòng tôi niềm trắc ẩn. Tuổi hai mươi chưa hiểu hết ngay ý nghĩa sâu xa mà ông muốn nói với tôi. Ba năm trôi đi vùn vụt, tôi không ngờ đó là câu chuyện cuối cùng cha nói với tôi trong vườn mai. Khi tôi tốt nghiệp đại học sư phạm thì cha tôi cũng qua đời, ông mang theo vào lòng đất một nỗi buồn u uất. Mẹ tôi đã nghỉ hưu.

Theo lời dặn của cha, sau ngày mãn tang ông, hàng năm tết đến, mẹ chặt mai bán lấy tiền lo hương hỏa và giúp đỡ người nghèo trong xóm. Tôi xin về dạy học gần nhà để có điều kiện nâng giấc mẹ lúc tuổi già. Khi gặp những khúc mắ trong cuộc sống, tôi thường thả hồn mình trong vườn mai mà suy ngẫm và tôi hiểu ra được nhiều điều.

Ở đời, ranh giới giữa cái thật cái giả, giữa ngay thẳng và lọc lừa, giữa nhân từ bác ái và vị kỷ nhỏ nhen không phải lúc nào cũng rõ ràng, rành mạch. Bởi vậy lòng tin của con người với con người luôn là thước đo giá trị. Có niềm tin, người ta sẽ sáng suốt để xử sự với nhau thấu tình đạt lý, tránh sự áp đặt hay ngộ nhận mù quáng. Ngẫm lại chuyện của cha, tôi càng hiểu sâu xa câu ngạn ngữ "Một mất mười ngờ" mà người xưa đã nói.


Cho đến một ngày, người ta đem đến cho cha tôi một lá thư. Họ ngỡ ngàng khi biết ông đã qua đời. Thư có đoạn " ...Hồi ấy, bác có 200 lượng vàng chia thành mười gói, ngoài chín gói phân tán gửi đi nhiều nơi, bác còn chôn tại nhà một gói. Con người ta làm ăn có thời, sau này nhà bác liên tục bị thua lỗ, tiền vốn cứ hụt dần.

Tuổi càng cao, sức càng yếu, bác gái cũng đã mất...bác quyết định đào gói vàng cuối cùng chôn ở nhà lên để trang trải cho tuổi già của mình. Bác giật mình thấy hai chục lượng vàng có dư một lượng!? Nhớ lại chuyện xưa, bác chết lặng và vô cùng xót xa, ân hận. Bác thật có lỗi với cháu và ông bà bên đó. Bác hy vọng, lá thư này cùng số vàng bác gửi lại cháu sẽ giúp bác phần nào thanh thản từ nay cho đến cuối đời, chắc là cũng chẳng được bao lâu nữa. Sự hy sinh và lòng hiếu thảo của cháu chắc trời sẽ thấu, chỉ tiếc rằng khi bác nhận ra thì không thể làm gì được nữa. Mong cháu nhận lại lời thỉnh cầu và xin lỗi muộn màng của bác. Bác nay đã quá yếu, không thể đến tạ lỗi trước bàn thờ ba má cháu..."


Mẹ con tôi nhận lá thư đặt lên bàn thờ, thắp một nén nhang, khấn báo với hương hồn ông bà nội và cha tôi về nỗi oan khuất của họ nay đã được thấu tỏ. Còn số vàng năm lượng, mẹ con tôi nhất định không nhận. Chắc ông bà nội và cha tôi nơi chín suối đã mãn nguyện rồi. Tôi nhìn ra vườn mai đang nhú nụ mà như thấy hình bóng cha đâu đây. Cha ơi! Xuân đang về, tết sắp đến, mai nhà mình lại sẽ nở kín vườn. Con tin là vậy./.


Nha Trang - 29/7/1998

Cây khế vườn xưa



Gần tám giờ tối mà con gái chị đi đâu chưa về. Mâm cơm đã nguội lạnh. Không hiểu sao, chị thấy lòng dạ cồn cào. Cảm giác mơ hồ như sắp mất một cái gì đó kiến chị bồn chồn. Chị nhìn lung mung ra ngoài cửa sổ.

Trăng sáng lạ lùng. Bóng cây khế im lìm bất động, tán xum xuê. Nếu không bị bom phạt ngang ngọn, chắc giờ nó phải cao lắm. Chị lại nhớ đến chồng và lời hẹn của anh. Chị tắt đèn, đến bên cửa sổ, ánh trăng lùa vào phòng mát lạnh. Áp nhẹ mặt vào giữa hai chấn song, chị nhìn vượt lên ngọn khế, thả mắt vào không trung tĩnh mịch...

Cây khế kia trong mắt mọi người chỉ là vật vô tri vô giác, thế mà như định mệnh, nó đã trở thành điểm tựa tâm linh của hai người đàn bà. Ngày xưa, hồi bố mẹ chồng mới cưới nhau, ông trồng cây khế để nhắc lại kỷ niệm của hai người. Dưới gốc khế trong vườn nhà bà, họ đã từng chuyện trò rồi nên vợ nên chồng. Vì kế sinh nhai, ông phải đi làm xa, để lại người vợ trẻ cùng đứa con trai đầu lòng vừa một tuổi.

Ông chỉ cây khế mới ngang tầm mắt nói: "Khi nào cây khế bói quả, tôi về". Hai năm sau, cây khế ra hoa. Bà thắc thỏm chờ đợi. Hoa khế rụng dần, chỉ đậu lại hai quả. Bà không hái, để chín rục rụng xuống gốc. Đúng lúc ấy ông về. Đau xót thay, đó chỉ là xác của ông. Người cùng làm ăn với ông nơi rừng thiêng nước độc đưa ông về cho biết: Ông bị cảm hàn, ra đi đột ngột ...

Số tiền ông dành dụm được trong hai năm, đủ để sau này bà dựng lại ngôi nhà nhỏ cho con trai lấy vợ. Người con trai của ông bà sớm giỏi giang mọi việc. Học hết cấp hai, anh ở nhà lo việc ruộng đồng giúp mẹ. Tiếng sáo của anh vào những buổi trưa hè, trong những đêm trăng làm mê lòng nhiều cô gái làng. Riêng anh chỉ để mắt đến chị. Đám cưới của hai người được tổ chức đơn giản, vội vã như bao đám cưới thời chiến khác. Anh lên đường nhập ngũ cùng lời hẹn với người vợ mới cưới: "Chừng nào cây khế còn xanh, anh còn sống trở về..." Lúc ấy, mẹ chồng chị quay mặt đi, dấu vội giọt nước mắt. Bà nghĩ: "Lẽ nào, như mười tám năm trước, cây khế lại là tâm điểm cho một lời hẹn, sẽ lại là sợi dây vô hình buộc số phận của con dâu bà như đã từng ràng buộc số phận cả đời bà" ...

Chiến tranh chấm dứt, mẹ chồng chị thở phào. Thế là con trai bà, ơn trời đã tránh được hòn tên mũi đạn, nó sắp về ... Nhưng bà đã không còn được gặp mặt con trai lần cuối. Khi hấp hối, bà nói vời người con dâu hiếu thảo: "Hết bom đạn rồi, cây khế còn xanh, chồng con sắp về ...". Với niềm tin như thế, mẹ chồng chị đã sống chờ đợi và yên lòng nhắm mắt xuôi tay. Còn chị, mười hai năm chị nhẩm đếm từng ngày, việc nhà cưả, ruộng vườn một tay chị lo liệu, chỉ mong anh còn sống trở về. Nghe tin ngừng chiến, chị phủ phục dưới gốc khế, lặng đi trong niềm sung sướng tột đỉnh. Ôm chặt con gái vào lòng, chị nói với nó: "Bố con sắp về ..." . Bởi vậy chị tái tê sửng sốt trước giấy báo tử của chồng, anh hi sinh trước ngày miền nam giải phóng một tháng. Đau đớn, hẫng hụt làm chị suy sụp tưởng không thể vực dậy được. Chị cứ thẫn thờ khắc khoải với lời hẹn của chồng. Biết bao lần chị đẫ nhìn len ngọn khế xanh ngắt kia thầm gọi tên anh và trong khoảng không tĩnh mịch đó, hình ảnh thân yêu của anh lại ùa về vẹn nguyên như ngày nào chị ngồi nghe anh thổi sáo dưới gốc cây này.

Cho đến ngày, cha con ông thầy lang Thành chuyển về đây sinh sống, chị hình như ít hoài niệm về lời hẹn của chồng. Có những điều bất ngờ vừa như vô hình lại vừa hiện hữu, khiến chị phải phân tâm. Ông Thành tàn tật, dị hình đối với chị thật xa lạ. Vậy mà có những lúc chị giật mình bởi ánh mắt quá đỗi gần gũi thân quen của ông. Thỉnh thoảng ông Thành lại bị lên cơn do di chứng của vết thương ở đầu. Những lúc ấy, người ta nghe tiếng ông la hét, cùng những lời của trận mạc: "Bắn! Nhắm trúng đích mà bắn! Bom nổ. Nằm xuống!..., người ta còn nghe cả những tiếng gào thét của ông: "Hay để tôi chết, tôi chết...". Lần đầu, cả xóm đến để cấp cứu, sau thì họ quen dần. Có gì đâu mà phải cấp cứu. Với tấm thân tàn tạ, nhỏ nhoi, chân tay thiếu hụt thế kia, ông còn chạy đi đâu, đập phá được gì? Những lúc ấy, cậu con trai chỉ cần ngồi ôm chặt lấy ông, để ông dãy dụa một hồi rồi lịm đi. Riêng chị, lần nào cũng vậy, nghe tiếng hét của ông là chị chạy sang, chững kiến cơn vật vã của ông. Ít nhất chị cũng làm một việc như vắt khăn lau mặt cho ông, để rồi mỗi lần ông tỉnh, chị lại giật mình bởi ánh mắt thôi miên của ông. Anh mắt lúc bình thường không bao giờ ông nhìn chị như vậy.

Một lần chị ốm liệt gường, ông đích thân đến tận nhà bắt mạch cho chị. Ngồi trên xe lăn do con trai đẩy tới, ông còn mang theo chiếc nạng gỗ. Ra hiệu cho chị cứ nằm nghỉ, ông chống nạng đến trước bàn thờ mẹ chồng và chồng chị. Con gái của chị đốt nén hương đưa cho ong. Một tay ông run run nâng nén hương ngang mặt, miệng lâm râm điều gì không ai nghe được, chỉ thấy phía vai bị mất một cánh tay của ông lệch hẳn xuống rung rung. Lúc sau, ông quay lại phía chị, nhìn ra sau vườn, mắt bỗng dừng lại nơi cây khế... Chị lướt nhìn ông. Một bộ mặt kinh dị, nhăn nheo những vết sẹo kéo đến cả hai vành tai. Cánh tay trái cụt sát nách buông thõng tay áo bộ đội bạc màu. Nửa ống chân phải bị cụt được thay chân giả xỏ cẩn thận trong chiếc dầy ba-ta đã mòn vẹt gót... Chị cố tưởng tượng lại dáng vóc của một thời trai trẻ, nhưng không thể được, tất cả điều đã méo mó, dị dạng đến kinh người. Ông vẫn mải mê nghĩ ngợi điều gì đó, mắt không rời cây khế. Lòng chị trào lên một cảm xúc vừa xót thương, vừa thán phục. Không kìm được, nước mắt chị tuôn rơi. Nghe tiếng thổn thức, ông giật mình dứt khỏi luồng suy nghĩ. Hình như hiểu nỗi niềm của chị, ông nhỏ nhẹ: "Bình tâm lại, để tôi bắt mạch".

Nhưng ngón tay của ông đặt lên cổ tay chị. Như có dòng điện chạy khắp người, chị rùng mình, mắt nhắm nghiền. Ông thở dài: "Suy nhược cơ thể, thần kinh bất an, cần phải dưỡng sức ...". Chị cố nghe thật rõ từng âm điệu phát ra từ giọng nói của ông như muốn tìm một cái gì đó quen thuộc, nhưng không thể. Vành môi bị sẹo kéo lệch một bên làm giọng nói của ông bị đơ như người thụt lưỡi ...

Ông về rồi, chị thấy buâng khuâng, người nhẹ hẳn. Bà con ở đây thường nói: "Thầy Thành tuy tàn tật mà bốc thuốc mát tay lắm. Từ người già đến con trẻ, hễ được thầy chữa trị đều mau khỏi bệnh". Sau lần ấy, chị có khoẻ hơn, thỉnh thoảng ông lại gửi thuốc sang cho chị. Những lúc ấy chị bần thần nghĩ ngợi. Thực ra cha con ông về làng tính đã gần bốn năm nhưng chị ít khi trò chuyện với họ, hoạ hoằn lắm mới hỏi thăm vài lời sau mỗi lần ông lên cơn. Vậy mà không hiểu sao hôm ấy chị đã kể ông nghe chuyện cây khế cùng ước vọng của mình: "Giá gì nhà em còn sống trở về ...". Chị không ngờ đã vô tình chạm vào nỗi đau của ông: "Trở về mà tuyệt tự, tàn tật như tôi chỉ làm mọi người thêm đau lòng. Nếu không vì danh dự một người lính, tôi đã tự sát ngay sau khi ra khỏi trạm quân y...". Chị thấy đắng ngắt ngay đầu lưỡi, lòng nghẹn tắc, chị không giám nói tiếp với ông điều mà đã có lúc chị nghĩ: "Anh ấy trở về, dù có tàn tật thế nào mình cũng cam lòng".

Đèn bật sáng, con gái chị về, nó ăn qua quýt bát cơm, tắm rửa rồi lên giường ôm choàng lấy chị. Nó thủ thỉ: "Mẹ đợi con lâu lắm phải không? Bác Thành ốm nặng, con ở bên ấy suốt chiều nay. Bác cứ giữ con ngồi nói chuyện với bác, lại hỏi con nhiều điều. Bác mừng vì con và Kiên yêu nhau. Bác nói, anh Kiên không phải là con đẻ của bác. Cả nhà anh Kiên bị bom chết chỉ còn anh ấy với ông nội. Bác Thành được ông nội Kiên truyền nghề bốc thuốc gia truyền. Khi ông nội mất, bác mới đưa anh Kiên về đây ... . bác mời mẹ mai sang bên ấy để chính thức nói chuyện của chúng con, bác mong mẹ thông cảm chấp thuận vì bác mệt không thể qua mhà mình được".

Con gái chị vô tư, nói chuyện một mạch rồi nó ngủ thiếp đi. Từ lúc nghe nó nói ông Thành ốm nặng, Kiên không phải con đẻ của ông, trong đầu chị không thể cưỡng lại ý nghĩ đang mỗi lúc một rõ nét. Chị nhớ lại lần ấy, khi nghe kể đến lời hẹn của chồng chị, nét mặt ông thật đau khổ, giọng ông run run, ngắt quãng: "Tôi nghĩ, đó chỉ là lời hẹn của tuổi trẻ, không lường hết được sự tàn khóc của chiến tranh. Cô Lệ còn trẻ, hãy nhìn vào thực tế, đừng trói buộc đời mình chỉ vì một lời hẹn quá huyền thoại như vậy. Đối với người lính chúng tôi, lời hẹn trước lúc ra chiến trường thực sự có một sức mạnh tiềm ẩn giúp chúng tôi vượt qua khó khăn, bom đạn... Nhưng cũng từ chiến trường ác liệt, với chết chóc thương vong, chúng tôi càng thấm hiểu sự chờ mong vô giá của những người thân nơi quê nhà bởi lời hẹn ấy. Trong chiến tranh tất cả mọi cái đều có thể...". Đúng! Trong chiến tranh mọi cái điều có thể xảy ra. Vì vậy, đã có lúc chị nghĩ: Biết đâu chồng chị cũng là một trong những trường hợp báo tử nhầm ? Nhưng thời gian đã làm tắt dần hi vọng mong manh đó, bởi đã gần mười năm hoà bình anh nào có trở về. Thế mà giờ đây... Chị thiếp dần đi chập chờn trong nỗi ngờ vực và hy vọng. Chợt chị choàng tỉnh, nghe như có tiếng gọi tên mình, chị lay mạnh con gái: "Có đúng Kiên không phải con của bác Thành không? Có phải bác Thành mời mẹ sang bên ấy?", Con gái chị vẫn còn mơ ngủ. Chị lao xuống gường lẩm bẩm: "Đúng rồi, có tiếng gọi mình"... Mở cửa, chị chạy vụt ra ngoài. Trăng đã chệch hẳn về phía cuối trời nhưng vẫn sáng vằng vặc, soi rõ bóng chị băng băng qua thửa ruộng vừa mới gặt. Chẳng còn biết có trăm ngàn gốc rạ đâm ngược lên gan bàn chân, chị lao đi, gió bên tai thổi ù ù. Phía bờ sông là ngôi nhà của cha con ông Thành, đèn vẫn sáng, chị đẩy tung cửa và kịp nghe:

- Lệ! Lệ ơi! Em ơi! Con gái của...

Chị nhào tới bên gường.

- Anh Thiện! Anh Thiện ơi!...

Búi tóc chị xổ tung phủ đầy khuôn ngực gầy lép của anh, chị vùi mặt mình vào mặt anh. Tấm thân lạnh lẽo của anh làm chị bàng hoàng, buốt nhói trong tim. Chị áp tai vào ngực anh, nơi ấy chị còn nghe những tiếng đập quá thưa thớt, khẽ khàng. Chị cuống quýt, nước mắt đầm đìa.

- Không thể như thế! Không thể ... Trời ơi! Có lẽ nào...?

Anh cố nhấc bàn tay còn lại đặt lên đầu chị, nhè nhẹ thả trôi theo mái tóc dài như cử chỉ vuốt ve âu yếm ngày nào, miệng mấy máy.

- Trời còn thương... Nếu em không đến kịp... Chúng mình sẽ... Không được ... Nhìn nhau... Lần cuối...

- Anh! Anh ơi! Còn con gái của chúng ta...

Vừa lúc con gái chị ùa vào.

- Mẹ ơi! Thế là thế nào...?

- Con ơi! Bố Thiện của con đây. Ông đã trở về đây...

Chị nấc lên, ngất lim.

Bố, Bố ơi! Mẹ ơi! Trời ơi!...

Ông Thành vẫy tay yếu ớt ra hiệu cho Kiên cầm quyển sổ tay đã sờn góc và hộp nữ trang đến bên cạnh. Ông níu tay con gái đặt chồng lên tay Kiên đang cầm những kỷ vật.


Đây là ... tất cả... những gì... bố còn... để lại... cho... con...


Đám tang ông thầy lang Thành được cả làng đưa tiễn. Ngày ấy cách đây đã tròn mười năm, chị bây giờ vẫn là một quả phụ đang vào tuổi năm mươi. Từ dạo ấy, cây khế sau vườn trút hết lá như thể đã làm tròn sứ mạng cho một lời hẹn ước. Giờ đây, nó chỉ còn là thân cây trơ trụi, dầu dãi nắng mưa để minh chứng cho một tỉnh yêu bất tử.

Nha Trang 10-11-1996

Phượng Hồng


Vị chát ngọt của nước chè xanh làm tôi vơi đi nỗi bồn chồn. Bên quầy bán sách báo, tiếng hát từ băng catset lại cất lên.
"... Những chiếc gỏi xe chở đầy hoa phượng,
Em chở mùa hè của tôi đi đâu?
Chùm phượng vĩ em cầm là tuổi tôi mười tám ..."
Bà chủ quán nước nói vọng sang :
- Hết bài hát rồi hay sao mà từ sáng đến giờ chú mở mãi có một bài thế?
Gã bán sách đang xếp lại mấy quyển sách cười hề hề:

- Bác ơi! Bác có thấy bọn trẻ đang túm tụm trong sân trường kia không?

Chúng chuẩn bị chia tay nhau trước khi từ biệt trường phổ thông đấy.

Trong đám các chàng trai ấy, khối anh đang ngơ ngẩn vì các nàng tiên từ cung trăng xuống đang lả lướt trong tà áo dài thướt tha kia kìa. Rồi vài hôm nữa thế nào cũng có mấy anh đến đây, khắc nỗi nhớ nhung của mình lên cây phượng vĩ già này. Ngày xưa cháu cũng đã từng ngẩn ngơ vì một nàng cùng lớp. Nhưng nàng quá vô tình để đến bây giờ "Cây si" ngồi đây bán sách, còn nàng làm bác sĩ, lấy chồng giáo sư ở tận trên thành phố. Thế nhưng, mỗi khi hè về, nhìn lũ trẻ líu ríu nhau là cháu lại thoáng nhớ về nàng. Có lúc còn nghĩ ông nhạc sĩ sáng tác bài hát này là để tặng riêng cho cháu đấy...

Gã lại cười hề hề, mắt nháy về phía tôi. Tôi cũng mỉm cười như muốn chia sẻ với gã nhưng trong lòng còn đang mãi ngược về những kỷ niệm của riêng mình...

Tôi hơn em hai tuổi, học trên em một lớp. Chúng tôi thân nhau vì cùng ở đội văn nghệ của trường. Tình bạn hồn nhiên giữa chúng tôi bỗng chuyển gam từ buổi tối biểu diễn hôm ấy... Tiết mục mở màn là vũ khúc "Bên đầm sen". Đèn sân khấu bật sáng. Chín cánh sen hồng từ từ hé nở. Em hoá thân làm nhụy, khoe hương sắc với đời. Khuôn mặt em bừng sáng lung linh, Tôi cảm thấy hương thơm của hoa sen đang lan toả quanh mình ... Tiếng vỗ tay vang dội, tốp múa ùa vào hậu trường. Tôi đón em ngay bậc lên xuống.

- Thật tuyệt vời, em là nàng tiên vàng...

Đang xúc động với thành công trong vai múa của mình, em thêm cảm kích trước lời khen của tôi. Ánh mắt chúng tôi chạm nhau cùng ngỡ ngàng, lúng túng. Tôi ngập chìm trong cảm xúc kỳ diệu trước đó chưa có bao giờ. Chẳng biết chúng tôi sẽ còn đắm đuối bao lâu, nếu không phải nhường chỗ cho mọi người lên xuống.

Cảm xúc lạ với em đêm ấy làm tôi vơ vẩn hết mấy ngày. Tôi hay tìm cớ để gặp em. Còn em, hình như đã quên giây phút thần tiên ấy, có vẻ hơi buồn và thường tránh ánh mắt của tôi. Những buổi tập văn nghệ sau đó, em thường bắt tôi đàn để em hát bài "Mối tình câm". Bài hát nói về tình yêu đơn phương của một người lính. Lúc còn ở nhà, chàng thầm yêu một cô học sinh vẫn thường che nón đi học qua nhà chàng. Vì ngại ngùng mà chàng chưa một lần dám gặp nàng để tâm tình. Khi ra chiến trường nhớ về nàng, muốn viết thư về thổ lộ thì tiếc thay, chàng chưa hề biết tên nàng... Cho đến bây giờ, tôi vẫn không hiểu tại sao lúc ấy em mới mười bảy tuổi mà có thể cất lên giọng ca thống thiết đến thế khi hát bài hát này?

Rồi ngày lớp đàn anh chúng tôi ra trường đã đến. Đội văn nghệ tổ chức chia tay. Trò chơi trước khi ra về của chúng tôi là "Kết mũ tặng nhau". Trên sân trường ngập nắng, chúng tôi quây quần dưới gốc phượng, chia nhau từng cặp trai gái. Tôi quyết định sẽ nói với em điều thiêng liêng nhất. Em đội cho tôi chiếc mũ kết bằng lá phượng, màu xanh biếc tượng trưng cho mũ Hoàng tử, tôi nhẹ nhàng đặt lên đầu em chiếc mũ kết bằng hoa phượng thắm đỏ như vương miện của công chúa. Tôi nhìn sâu vào đáy mắt em thầm thì: "Anh muốn nói với em điều này.". "Gương mặt đang tươi như hoa của em bỗng u buồn khác lạ. Em lắc đầu van vỉ: "Anh hãy đứng nói gì...". Đôi mắt em ngấn lệ. Tôi sợ giọt nước mắt kia sẽ tràn qua bờ mi cong vút của em. Tôi muốn đặt lên mắt em nụ hôn đầu đời. Nhưng làm sao tôi có thể ...

Chia tay em, tôi đau khổ hụt hẫng, xong không có nhiều thời gian để chết chìm trong thất vọng. Tôi lao vào ôn thi đại học, nghĩ rằng em cũng như tôi còn quá trẻ. Trước mắt, em còn cả một năm cuối của tuổi học sinh bồng bột. Thi đại học xong, tôi đến nhà tìm em thì được biết, bố em đã chuyển trường gửi em lên thị xã học. Tôi hỏi thăm địa chỉ, bố em lắc đầu nói: "Em nó còn phải học".

Năm sau, từ Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, tôi vui vẻ về quê nghỉ hè, hy vọng sẽ được cùng em vui chơi trong một tháng, nhưng em lại ở luôn trên thị xã để học thêm về vũ nhạc. Tôi buồn quá, thường ôm đàn hát một mình. Lúc này tôi mới thấm thía nỗi nhớ em. Hơn một năm qua, mải lo học hành thi cử, làm quen với môi trường mới, những gì xảy ra giữa tôi với em, tuy có làm tôi buồn khổ nhưng rồi nó cũng trượt đi không đến nỗi nặng nề. Trước khi trở lại trường, tôi muốn viết thư để lại cho em nhưng không làm sao viết nổi. Tôi vốn rất sợ nước mắt. Tôi sinh ra không biết mặt bố mình, ông ngoại tôi mất sớm, bà ngoại tôi ở vậy nuôi hai người con gái.
Nhiều lúc đi học về, tôi bắt gặp bà và mẹ đang sụt sùi, mắt đỏ hoe. Thỉnh thoảng dì tôi lấy chồng xa về thăm nhà, những lúc ấy, tôi lại thấy bà, mẹ tôi và dì ôm nhau khóc...
Sau đó dì tôi bồng bế ba đứa con nhỏ về ở luôn với bà ngoại và mẹ tôi. Chồng của dì, sau một lần say rượu đã đốt nhà rồi bỏ đi luôn ... Vì sống trong cảnh gia đình như thế nên tính tôi hay nhút nhát. Nước mắt đàn bà đối với tôi là những gì bí ẩn. Bởi vậy, cứ nhớ đến đôi mắt ngấn lệ của em trong lần chia tay ấy, tôi không đủ can đảm để viết cho em điều mà em đã xin tôi: "Anh hãy đừng nói gì..."

Mấy tháng sau, hỏi thăm bạn bè, tôi biết em đang học đại học sư phạm, tôi đến tìm em. Gặp tôi, em mừng rỡ, rối rít hỏi tôi đủ điều rồi như sực tỉnh điều gì, không để tôi hỏi lại, em mời tôi vào phòng, giới thiệu tôi với các bạn là anh họ đến thăm. Lúc ấy, tôi như người rơi xuống vực, chỉ ngồi một lúc tôi xin phép ra về.
Em tiễn tôi với đôi mắt buồn thẳm. Tôi hỏi em tại sao giới thiệu tôi như vậy, em chỉ im lặng lắc đầu. Tôi biết mình không thể nói gì hơn nên hẹn em sẽ gặp lại...

Nhưng chỉ ba ngày sau đó, tôi nhận được thư em. Thư viết có mấy dòng: "... Anh đừng đến gặp em nữa, vì em biết anh sẽ rất đau khổ. Bố em đã nhận lời dạm ngõ của nhà người ta. Học xong ra trường là em có chồng..." .
Những dòng chữ có nhoè vết ố, tôi biết đó là nước mắt của em.
Tôi chết lặng trước sự thật phũ phàng. Trong tiềm thức sâu xa, tôi nghĩ có uẩn khúc gì đó đối với em.

Nhưng còn tôi? Trời ơi! Em đối với tôi thân thiết, gần gũi là thế mà rốt cục, tôi cũng chẳng hơn gì anh chàng trong bài hát "Mối tình câm". Tôi cũng biết em nào có vô tình, hơn tất cả mọi người, em hiểu rất rõ tiếng đàn của tôi nói gì, vậy mà hè về, tôi vẫn phải đến trường, khắc tên em lên cây phượng ngày nào chúng tôi từng bẻ lá, hái hoa kết mũ tặng nhau... Tôi xót xa cho bản thân mình, thề với lòng mình sẽ không bao giờ gặp lại em, dù biết không thể trách em. Giữa chúng tôi nào có hứa hẹn gì...

Tôi giật mình nghe bà chủ quán nước nhắc.

- Này anh! Hội đồng nhà trường họp xong rồi kìa.

Tôi đứng bật dậy, bước nhanh đến cổng trường. Em là người ra sau cùng. Trong chiếc áo dài màu vàng yến, em vẫn xinh đẹp lạ lùng. Không chú ý xung quanh, em định lên xe. Tôi vội chặn ngang lối.

- Phượng!

Em sững sờ

- Anh Lương!...

- Anh đợi em đã gần một tiếng đồng hồ, chỉ còn nữa giờ nữa anh phải đi, chúng mình quay vào trường nói chuyện...

Sân trường ngập nắng, vắng vẻ. Chúng tôi bước nhanh về dãy các phòng học ba tầng. Đó là nơi trước đây Trường hay dựng sân khấu để tổ chức văn nghệ hay các buổi sinh hoạt lớn. Kỷ niệm ùa về, tôi chưa biết bắt đầu thế nào thì em đã chủ động nói trước.

- Em vẫn hoài mong có một ngày được gặp lại anh. Vậy mà hôm nay em vẫn thật bất ngờ! Sau khi tốt nghiệp, em xin về trường cũ dạy. Lúc ấy anh đã chuyển cả gia đình về quê cũ. Qua bạn bè, em được biết mãi sau này anh mới lấy vợ, nhưng cô ấy đã bỏ anh theo gã chủ tiệm vàng, vì cho anh là "tẩm", suốt ngày cứ ngơ ngơ, ngẩn ngẩn. Em nghĩ, thế là trời buộc em mang nợ với anh rồi...

- Thôi em, hãy quên chuyện của anh đi, cô ấy bỏ anh là tại anh... Ngày mai anh sẽ chuyển công tác vào thành phố Hồ Chí Minh. Anh hy vọng vào trong đó, cuộc sống sẽ đỡ khắc nghiệt với anh hơn. Song anh biết, nếu không gặp em trước khi đi xa, anh sẽ không sao thanh thản được, cũng như hơn mười năm qua, anh vẫn không hiểu vì sao ngày ấy...? Em không nhìn tôi, tay vít cành phượng là đà sát lan can, ngắt một lá, bứt vụn thả cho chúng bay lả tả.

- Anh đã biết, bố em cảnh gà trống nuôi con. Em là con gái, ông để mắt từng ly, từng tý. Ngay sau buổi tối biểu diễn văn nghệ hôm ấy, ông gọi em đến ngồi trước bàn thờ mẹ em dạy: "Con là con gái, đã lớn, phải biết giữ mình, lo học hành. Chuyện trai gái bố cấm tuyệt đối. Mẹ con mất đi, đã gửi gắm con cho nhà bác Đạt, bố con mình phải làm theo để vong linh mẹ con được thanh thản. Thằng Lương là con nhà không có bố, như nhà không có nóc, phải biết nhìn xa con ạ...". Lời nói của bố như ngọn roi quất vào trái tim non nớt của em, nó đau đớn, quằn quại ...
Em nhớ lại, có lần vợ chồng bác Đạt về thằm nhà em, bác gái đã buột miệng nói với em: "Con dâu của bác càng lớn đẹp quá". Lúc ấy, em nghĩ bác chỉ đùa nhận em cho Dũng con trai của bác. Nhưng bây giờ em biết đó là sự kết giao giữa hai gia đình từ trước. Em không tin bố em vẫn còn nặng tư tưởng phong kiến đến thế, song đó là sự thật. Ông tìm mọi cách để tách em và anh, không cho em đi tập văn nghệ, em không chịu đòi nghỉ học...
Ngày hè đó, ông bắt em chuyển trường lên thị xã và gữi em ở nhà bác Đạt. Dũng lúc này cũng đang học đại học xa nhà. Chuyện chồng con của em coi như đã được định đoạt. Vì vong linh của mẹ, thương bố lận đận cả đời cho con, em chỉ biết cúi đầu cam chịu. Nhưng em không thể dối lòng mình, em yêu anh và em biết anh cũng yêu em...
Tuổi mười bảy dại khờ chẳng cứu được tình yêu của chúng mình. Em chỉ biết ước mình như cô gái trong bài hát "Mối tình câm" để được anh yêu thương mà không phải chối từ ... Nhưng rồi em vẫn phải viết thư cho anh sau lần gặp lại ấy...

Ôi! Phải chăng mỗi người có một số phận. Mẹ tôi cũng phải sống âm thầm lặng lẽ một đời. Bố tôi đã nhảy xuống sông từ tử vì không được gia đình chấp nhận cho lấy mẹ tôi, lý do vì nhà mẹ tôi nghèo. Hồi ấy, nếu không có bà ngoại thì mẹ tôi cũng đi đã theo bố tôi. Sau đó, bà ngoại lặng lẽ đưa mẹ tôi rời làng. Tôi đã sinh ra và lớùn lên ở cái thị trấn nhỏ này.

Tôi ngắm nhìn những ngón tay thon thon, nhỏ nhắn, trắng ngần của em đang tiếp tục thả lá. Bàn tay mềm mại kia trong điệu múa ngày ấy đã thắp lên trong tôi ngọn lửa yêu thương nồng nàn ... Tôi đột ngột nắm chặt tay em nói gấp gáp:

- Đến giờ anh phải đi rồi, tạm biệt em. Vĩnh biệt tình yêu của anh ... Em gục đầu, áp mặt vào ngực tôi. Vòng tay tôi xiết nhẹ ôm sát em vào mình. Nước mắt em thấm vào ngực tôi nóng bỏng. Tôi thơm lên mái tóc thoảng mùi hoa bưởi, nhẹ nhành nâng khuôn mặt đẹp như vầng trăng của em lên, nhìn sâu vào đôi mắt hồ thu sâu thẳm của em. Đôi hàng mi đen mượt, cong vút từ từ khép lại... Có tiếng còi xe ngoài cổng trường ... đợi em khuất vào lối rẽ, tôi mới lên xe của mình. Bên kia phía quầy sách vẫn vọng lại tiếng hát.

... Em chở mùa hè của tôi đi qua, còn tôi đứng lại Nắng ngập sân trường một vạt áo ai bay...Xe tôi lao vút đi giữa trưa hè nóng bỏng. Dường như dưới ánh nắng chói chang, hoa phượng bên đường càng rực rỡ, thắm hồng trên nền lá xanh biếc...


Nha Trang - 02/9/1996