< Blog Chominh không có nghĩa là chỉ cho riêng mình, nó chỉ là những entry mình viết và sưu tầm cho mình . Rất mong các bạn ghé thăm và chia sẻ >

Thứ Năm, 23 tháng 12, 2010

CHUYỆN TRĂM NĂM


Không biết họ phải vía nhau từ bao giờ. Tháng 10 năm 1974, cô gái vào nhập học lớp dự bị, Trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội. Chàng trai là anh bộ đội Trường Sơn xuất ngũ trở về cũng vào học cùng lớp với cô gái. Anh được chỉ định làm Tổ trưởng và được quyền chọn tổ phó giúp việc cho mình. Lướt qua hết lượt mọi người trong tổ, anh nhìn thẳng vào cô gái và nói: “Bạn là tổ phó cho mình nhé!”. Cô gái đỏ mắt lắc đầu quầy quậy: “Em không làm đâu ạ!”, nhưng tiếng vỗ tay cùng tiếng hô đồng ý của mọi người đã hỗ trợ đắc lực cho lời đề nghị của anh. Anh nói: “Bạn thấy chưa, mọi người đều tán thành, vậy là chúng ta sẽ cùng làm việc nhé, đơn giản thôi mà, việc của tổ có gì đâu, chỉ cần chúng mình cùng các bạn trong tổ học tốt là được…”. Rồi đất nước kết thúc chiến tranh chống Mỹ, họ tiếp tục học ôn thi đại học và cùng chính thức đậu Đại học Nông nghiêp I Hà Nội. Cô gái không xin chuyển trường về miền Nam cùng gia đình như nhiều bạn khác cùng là đối tượng con em miền Nam tập kết. Điều gì thế nhỉ? Cô gái không biết vì sao mình lại quyết định ở lại. Nhưng những lá thư và sự chăm sóc của anh đối với cô trong mấy tháng hè chờ vào năm học mới thì cô biết rõ. Thế rồi qua nhiều lần hò hẹn, chờ đợi, họ nhận lời yêu nhau vào một đêm mưa phùn, trong cái lạnh giá của rét Nàng Bân.
Hình như chàng trai còn chưa thật tin vào lời thú nhận của cô gái: “Em yêu anh!” dù biết rằng nếu không bị mình yêu cầu thì có lẽ cô khó có thể nói ra như vậy, nhất là trong lúc này, đáng lẽ anh phải là người nói “Anh yêu em” mới đúng. Thường là thế mà, con trai phải ngỏ lời yêu trước chứ!... Anh đã gặng hỏi cô là nếu không được Ba, Má đồng ý thì sao? Cô thật ngay thẳng trả lời “Em yêu anh, đâu phải là Ba, Má”. Thực ra, cô đã viết thư cho Má và giới thiệu về anh. Vậy đó, tình yêu đến với cô gái thật vô tư lự, và cô vẫn dại khờ như vốn là như vậy, không đòi hỏi, không đắn đo… Để rồi bao nhiêu năm sau đó cô vẫn cứ sống hết mình, sống toàn tâm toàn ý cho sự lựa chọn của mình. Cuộc đời đã bao thay đổi. Anh và cô đã đi suốt một dặm dài. Gập ghềnh, cheo leo, đau khổ và hạnh phúc. Họ đã cùng chia sẻ với nhau những khó khăn trong cuộc sống. Còn nhớ ngày đầu mới yêu nhau, hầu như chủ nhật tuần nào anh cũng chở cô bằng xe đạp từ Trường (Gia Lâm Hà Nội) sang bệnh viện Quân Y 103 (Hà Đông) để thăm Ba cô, lúc ấy ông đang bị bệnh tai biến mạch máu não liệt nửa người. Còn cô đã chẳng ngại ngần ghé vai cùng anh gánh vác những công việc gia đình vì anh là Trai trưởng…
Ba mươi sáu năm kể từ khi họ gặp nhau, yêu nhau và gắn kết với nhau. Cô gái mười tám, đôi mươi ngày nào bây giờ đã là một người đàn bà ngấp nghé tuổi năm lăm. Cái tuổi đủ chín để hiểu mọi điều. Một hôm, tình cờ đọc lại những kỷ niệm xưa, chị bỗng thấy mình tràn đầy hạnh phúc. Thực ra, sóng gió cuộc đời đã làm mờ đi, xóa đi những dấu ấn lung linh, quý giá trong ký ức chị. Thật may chị vẫn còn lưu lại được những dòng chữ, những trang giấy đã ố nhòe vì thời gian. Cảm ơn cuộc đời đã cho chị đủ bản lĩnh để đi cùng chồng đến bây giờ. Những cái chị đã có vẫn còn đây, rất nhiều thơ anh tặng. Và đây nữa, những điều chị đang có: Hai con trai đã trưởng thành, đều tốt nghiệp đại học, một ông xã suốt ngày bận bịu vì công việc, được không ít người biết đến với tài văn chương, thơ nhạc, nổi danh là nhà báo dũng cảm…Bố mẹ hai bên gia đình đều đã qua đời, nhưng các anh chị em đều hòa thuận thương yêu nhau… Nghĩ đến đây, chị mỉm cười mà hai dòng lệ tuôn trào, để có được như hôm nay, thực sự nhiều lúc chị đã phải gồng mình để sống.

Ngày anh chị cưới nhau. Một đám cưới theo phong cách mới, nhưng rất ấn tượng vì được tổ chức tại Trường, do hai lớp của anh và chị đứng ra tổ chức. Gia đình chị đều ở trong Nam không ra được. Trên bàn tiệc chỉ toàn là bánh kẹo làm từ bột mỳ, đường, sữa mà các bạn đã góp tem phiếu đổi ra. Pháo nổ giòn, chị và anh dắt tay nhau đi chào hết bạn bè, các thày cô giáo. Chị trong chiếc áo len màu đỏ, quần lĩnh đen, mái tóc dài được thắt cao bởi chiếc khăn voan đỏ. Anh áo sơ mi trắng tay dài, chiếc quần xanh màu quả cọ mới may thay cho những chiếc quần bộ đội đã bạc màu vẫn mặc thường ngày. Mắt chị sáng long lanh, ngời ngời hạnh phúc. Anh hát tặng cho ngày vui của hai người khúc hát “Đất nước trọn niềm vui”… Ôi! Đã xa rồi, xa mãi những hạnh phúc ngọt ngào, tinh khôi…
Sống bên anh, chị như không còn là mình nữa. Lúc nào cũng chạy theo nhịp sống của anh: Hối hả, vội vàng, cuồng nhiệt, tính toán, va chạm… Nhưng rồi dần dần chị đã hồi lắng, lấy lại thăng bằng cho mình. Chị hiểu anh nhiều hơn qua những bước thăng trầm, những khúc quanh của cuộc sống cùng với những trải nghiệm riêng của mình. Anh là người đa tài, làm việc gì cũng rất nhiệt huyết, nhưng lại rất nóng tính. Bố chồng chị, Người Cha mà chị hằng tôn kính đã khuyên chị “Một điều nhịn là chín điều lành!...” và chị đã nhẫn. Dù anh nóng nảy thế nào chị cũng nhẫn, đương nhiên cũng có lúc chị nổi điên. Những lúc đó đúng là chị điên thật. Lạ thế, lúc này anh lại hết nóng, chị muốn điên cũng chẳng điên được nữa... Chị quý anh cái tính thẳng thắn, có gì cứ xổ bung ra, xong là hết. Nhiều khi chị làm mặt giận anh cả tuần, anh cũng chẳng biết. “Người như vậy giận làm gì!...”. Chị trọng cái tài của anh. Anh quả là người tinh nhanh, tháo vát, thông minh, biến báo và hơn thế nữa, cái tài đó đã giúp ích cho đời và cho gia đình. Chị yêu, rất yêu cái tính đa cảm của anh, yêu tâm hồn văn chương, thơ phú của anh. Chị ghét, rất ghét cái bản năng quá tham vọng của anh. Với cái tài cái đức vốn có của anh, anh có thể đạt được mọi thứ và tỏa sáng một cách an nhiên tự tại. Vậy mà anh vẫn cả đời long đong vất vả, và thực sự anh đã để mất không ít những điều rất quý giá. Có thể anh chưa thể tự mình hiểu được, vì vẫn còn đang say lắm, chưa có lúc nào tĩnh tâm để suy ngẫm và nhìn lại…
Trước mắt anh chị giờ đây là đoạn đường tuy ngắn nhưng rất quan trọng, đó là điểm xuất phát của hai đứa con trai, vật báu của cuộc đời anh chị. Chúng đã lớn, đã học xong đại học, đang bước những bước đầu tiên vào cuộc đời sự nghiệp của riêng mình. Nhưng cũng chính lúc này, những bất đồng trong suy nghĩ về cuộc sống, lối sống của anh và các con thường hay chợt đến, điều đó là quy luật. Chị luôn phải là người dung hòa để mọi việc đừng quá căng thẳng, đừng dẫn đến xung đột trong gia đình. Chị không muốn lặp lại những gì đã xảy ra cách đây 30 năm, chỉ vì tư tưởng cấp tiến của anh đã làm tổn thương đến Gia đình và Bố Mẹ… Anh thường nói: “Hợp được tính nhau, đó là điều hạn phúc nhất”, nhưng đã hơn 36 năm rồi mà hình như anh chị vẫn không hợp được tính nhau. Tuy vậy cái mộng mơ lãng đãng trong một góc nhỏ tâm hồn của họ thì lại có nhiều nét đồng cảm lạ. Có lẽ vì vậy mà họ đã cùng nhau đi một đoạn đường khá dài, đầy trắc trở và họ đang dần đến đích. Cầu mong cho một chút lãng đãng của họ sẽ vẫn là điểm tựa để họ cùng nhau đi đến trọn đời.
23/12/2010 – Tròn 32 năm Ngày cưới

Thứ Ba, 21 tháng 12, 2010

Ba ơi!


Hai mươi năm rồi Ba mãi đi xa
Đất nước đổi thay Ba không được thấy
Cuộc sống hôm nay mỗi lần nhìn lại
Đầy đủ tiện nghi, không thiếu thứ gì
Chỉ thiếu tình cha - lòng con đắng nghẹn!
Ba ơi! Sao quá vội ra đi?

Một cuộc đời binh nghiệp vẹn nguyên,
Ba đã trọn hiến dâng cho Tổ quốc
Đất nước hòa bình ba trở về xum họp
Nhưng ngày vui ngắn ngủi chẳng đầy gang
Cơn tai biến bất ngờ nghiệt ngã
Tuổi năm mươi đứng lặng giữa cuộc đời!

Ngày Ba bệnh chúng con vừa mới lớn
Thân xác thì to mà tâm trí dại khờ
Chỉ biết thương ba chăm lo cơm nước
Chẳng biết nỗi buồn thiêu đốt lòng Ba:
Đời chinh chiến từng quen sóng gió
Giờ nằm đây giữa bốn bức tường…

Mười lăm năm mang bệnh bên mình
Ba lặng lẽ âm thầm chịu đựng
Không tiếng thở than, không lời trách mắng
Phút cuối cuộc đời vẫn nói chuyện tiếu lâm
Để bây giờ mỗi phút giây lắng lại
Lệ vẫn chảy hoài trong sâu thẳm lòng con…


MH
Nha Trang
21/12/2010

Thứ Sáu, 17 tháng 12, 2010

Vườn xưa

Vườn xưa đầy hoa bưởi
Chúng mình chơi trốn tìm
Lần nào em cũng hỏi
Sao anh tìm thấy em?

Rồi chúng mình đi xa
Vườn xưa em vẫn nhớ
Đã bao lần tự hỏi
Sao anh tìm thấy em


Chiều nay em trở lại
Hoa bưởi vẫn rụng đầy
Anh ở đâu, có nhớ
Tuổi thơ trong vườn xưa?

Vườn xưa em về đây
Tóc vương đầm hương bưởi!?...
Em biết rồi… Ngày ấy
Hương mách thầm cho anh!


Nha Trang, hè 2008
MH

Thứ Hai, 6 tháng 12, 2010

Im lặng

Anh đã từng cầu xin em: Im lặng
Trong những lần anh cả giận mất khôn.
Em đã nhẫn lòng mình im lặng
Mong Bầu trời anh được bình yên.
Và em đã ngàn lần im lặng
Hơn nửa đời lắng đợi bình yên
Nhưng bầu trời anh vẫn gió giông
Vẫn bão tố cuồng phong
Vẫn mây đen xám xịt…
Rồi một ngày
Im lặng …nổ tung!
Em điên dại thét gào uất nghẹn
Trong đớn đau
Vỡ lòng – chợt hiểu
Với lòng tham – Im lặng chẳng là vàng.

Nha Trang - 2010

Thứ Sáu, 19 tháng 11, 2010

Ngàn lời Tri ân



Kính thưa các thày cô, các anh chị Xóm Tri Ân!
Thế là đã 4 tháng 20 ngày, Blog Tri Ân cuộc đời được ra mắt thế giới Internet. không rõ từ lúc nào, những thành viên của Blog này đã quen gọi là Xóm Tri Ân, cái tên vừa thân thương, gần gũi vừa dân dã, dung dị và mang đậm văn phong văn hóa Việt Nam.
Xóm Tri Ân, nơi hội ngộ của các thày cô giáo và nhóm học trò cũ Trường cấp III Chí Linh. Nơi đây rộn rã tiếng cười vui, lắng sâu những niềm tâm sự qua những áng thơ, văn của thày trò sau bao nhiêu năm gặp lại. Từ Mái trường cấp III Chí Linh, chúng em được học các thày cô những kiến thức khoa học và đạo đức làm Người để rôi bay xa đi khắp phương trời. Ngày gặp lại, tóc thày đã bạc trắng, tóc trò đã điểm sương nhưng tất thảy đều xúc động dâng trào. Trò sung sướng vui mừng được bày tỏ lòng TRI ÂN đến các thày cô. Thày cô rưng rưng cảm động và TRI ÂN cuộc đời đã cho gặp lại lớp học trò sau gần 40 năm ra trường…
Chị Tô Hà đã thay mặt các bạn học trò cũ của Xóm Tri Ân kính gửi đến các thày cô lời chúc tốt đẹp, tôn kính nhất nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam. Riêng em, học trò nhỏ Minh Hương muốn có thêm vài lời tâm sự kính gửi đến các thày cô.


Đã đi xa ngái dặm đường
Vẫn nghe vọng tiếng trống trường năm xưa
Tiếng thày cô giảng thiết tha
Còn in đậm mãi trong ta từng ngày.
Cuộc đời muôn vạn đổi thay
Trắng đen, cao thấp, đúng sai khôn lường
Hôm nay phương trưởng nên Người.
Kính thày, xin tạ ngàn lời Tri ân!
19/11/2010

Thứ Ba, 9 tháng 11, 2010

Nỗi đau

Truyện ngăn của : Minh Hương
Ùng! Oàng!… Tiếng trẻ khóc thét. Ông Tư đưa tay ôm ngang bụng. “Mình bị thương rồi!”. Cảm giác đau xoáy vào ruột ông. Lại tiếng trẻ khóc thét. “Nó vẫn còn khóc, còn khóc được!”. Ông càng ôm chặt bụng hơn vì đau quá. “Bị thương sao không có máu?”. Ông muốn hét lên nhưng không được, có cái gì đó đè nặng lên người ông.Vẫn tiếng trẻ con ré lên ngằn ngặt. Ông lấy hết sức cố đạp hai chân, miệng há thật to cho đến khi từ trong cổ họng bật ra hai tiếng khản đục: “Không! Không!” mới thấy người nhẹ bỗng. Nhưng sao thế nhỉ? Tất cả là một màu trắng lạnh lẽo. Ông chợt tỉnh: “Ồ! Bệnh viện… Thế là mình lại vừa mộng mị.
Đưa hai tay lên ôm đầu, ông rên rỉ: “Trời ơi! Những ác mộng sao cứ ám ảnh ta?”. Cơn đau dữ dội lại xoáy vào ruột khiến toàn thân ông co quắp, quằn quại. Vậy mà trong cơn ác mộng vừa rồi, ông ngỡ mình bị thương. Từ khoa nhi của bệnh viện vọng lên tiếng khóc của con nít làm ông càng co dúm người lại. Ông nhớ đến nó. Nhưng mà ở cái thời khắc nghiệt ngã ấy, nó có được khóc đâu! Dẫu biết rằng không bao giờ nó còn khóc được để ông cũng như cả sự sống trên trái đất này còn được nghe tiếng khóc của nó …
Từ khi biết mình bị ung thư dạ dày đang ở giai đoạn cuối, ông Tư thường hay hồi tưởng lại những năm tháng chiến tranh, lúc còn ở rừng. Những cảnh thương vong, chết chóc, bom đạn, chất độc… cứ hiện về, đan xen với thực tại. Ông vừa phải chống chịu sự đau đớn về thể xác do con bệnh hiểm nghèo, vừa luôn bị nỗi ám ảnh bởi những cơn ác mộng. Khi tỉnh, ông vẫn rất tự hào về chiến thắng vĩ đại của Dân tộc Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Đế quốc Mỹ và ông đã đóng góp hết sức mình cho sự nghiệp vẻ vang đó. Ông vẫn thường và sẽ còn nói lại với nhiều người, nhất là với lớp trẻ về niềm tự hào ấy … Nhưng khi ngủ, ông luôn bị những ám ảnh bởi nỗi kinh hoàng, đau xót về một điều mà ông biết, cho đến chết vẫn không thể nguôi ngoai và cũng không dễ gì nói được cùng ai.
Không còn chịu nổi cơn đau, ông bấm chuông lên phòng trực. Cô y tá xuống tiêm cho ông một mũi thuốc, cơn đau dịu dần, ông thấy mình mệt lả. Nghĩ đến những cơn đau sẽ còn sau đó, ông rùng mình nhắm nghiền mắt lại. Hồi đó, sau mỗi lần máy bay địch rải chất độc vừa rút khỏi là ông cùng mọi người ào ra nương mỳ, bất chấp cả những hạt bụi thuốc còn bám đầy trên cây lá. Dù sợ chất độc nhưng vẫn phải cứu những củ mỳ, nếu không sẽ không có gì để ăn. Phải chặt thật nhanh ngang cây, chỉ để lại những gốc mỳ để thuốc không kịp dẫn xuống củ. Sau đó mới nhổ lên, ngâm, phơi, làm lương thực dự trữ. Những lần như thế, không phải riêng ông mà hầu như tất cả, không ai lường được hậu quả khủng khiếp của thứ chất độc màu vàng nguy hiểm ấy. Gần hai mươi năm sau ngày giải phóng, đã không ít người từng là bộ đội, cán bộ ở rừng về phải từ giã cõi đời trong sự đau đớn, vật vã về thể xác mà trí óc thì hoàn toàn tỉnh táo vì bị khối u ác tính. Nhiều người khác lại gánh chịu số phận khổ đau đến cùng cực, đó là phải làm cha, làm mẹ của những đứa trẻ dị dạng, tật nguyền, ngớ ngẩn, những quái thai không thể tồn tại ở trên đời. Bây giờ thì đến lượt ông …
Có tiếng ì ầm từ xa của cơn giông. Hừ! Thế mà ông lại nghe ra tiếng ùng oàng của đạn pháo. Ông nhìn ra ngoài, một tia chớp loằng ngoằng chạy ngang trên bầu trời đang sầm sập tối. Hồi ở rừng, một tối nọ, dưới ánh sáng lóa lên như tia chớp của đạn pháo sáng, ông vô tình nhìn thấy sự quấn quýt bên nhau của đôi trai gái bên gốc cây gần lán trại. Lúc ấy ông đã cười một mình: “Quả là tình yêu bất diệt”. Sau đó, họ cưới nhau, người con trai được bổ sung cho đơn vị chủ lực, còn vợ anh ở lại trạm giao liên của ông. Một thằng cu ra đời theo quy luật của tạo hóa, bất chấp bom rơi lửa đạn. Nó được đặt tên là Chiến Thắng, như niềm tin và sự mong mỏi của ba má nó cùng mọi người.
Ông Tư cố đứng dậy, chập choạng từng bước đến bên cửa sổ vì lại nghe tiếng trẻ khóc thét. Ông nhìn xuống khoa nhi, nơi có những đứa trẻ đau bệnh đang điều trị ở đó. Ruột gan ông nhói buốt như có ngàn mũi kim châm chích. Ông nhớ đến cái bụng cóc vì bị lãi của nó, những cơn sốt rét rừng làm mắt nó trắng xác, đôi môi nhỏ xúi, tái nhợt. Chẳng có thuốc gì ngoài mấy viên ký ninh, thế mà nó vẫn sống… Ông thấy môi mình mặn đắng. Ừ! Nếu ông có thể gào lên, khóc thét lên như con trẻ để nỗi đau trong ông sẽ dịu đi chăng? Giá như bây giờ ông có thể nói ra được những dày vò, giằng xé về những uẩn khúc oái oăm, oan nghiệt trong một lần chỉ huy của ông. Ông thắc thỏm chờ bà Tư, sao mãi không thấy về. Ông định quyay lại giường nằm nhưng không làm sao có thể nhấc chân lên được, cả người cứ run lên bần bật. Ông khụy xuống và…
* * *

Đã khuya, bà Tư chưa ngủ. Bà ngồi trên chiếc ghế bố cạnh giường nằm của ông, dạ nôn nao. Bà cứ nhìn mãi vào khuôn mặt hốc hác, tấm thân chỉ còn da bọc xương của ông, tim bà thắt lại. Hai ngày nay, thần sắc của ông thay đổi quá nhiều. Đã vậy, chiều nay ông cứ nằng nặc đòi bà phải đi đến nhà Ba má nó chỉ để biết có một việc ấy. Bà đi mà chẳng yên lòng chút nào. Bà đã dặn ông không được đi đâu xa giường, mọi thứ bà đã chuẩn bị sẵn, thế mà ông lại ra cửa sổ làm gì, may mà bà về kịp…
Hơn ba tháng rồi, bà kề cận bên ông không rời một bước. Thỉnh thởng có ai đến thăm, ngồi chơi nói chuyện lâu, bà mới gửi gắm để về thăm qua nhà. Ông bà chẳng còn ai đỡ đần, họ hàng ly tán hồi chiến tranh, đứa con trai duy nhất của ông bà cũng chết từ nhỏ. Sau giải phóng ông về, bà không còn sinh nở được nữa, vợ chồng già chăm chút nhau hết tình vẫn không khỏi có lúc xót xa tủi phận.
Tiếng thở đều đều của ông làm lòng bà phần nào dịu lại. Cái mệt do phải đi lại vội vàng lúc chiều, bây giờ mới ngấm vào tấm thân già gầy guộc làm bà lịm vào giấc ngủ. Một tay bà vẫn nắm chặt vào tay ông, phòng khi ông dậy là bà biết ngay…
Ông giật mình tỉnh giấc, nửa người từ thắt lưng trở xuống nặng trĩu, hai chân không thể co duỗi được. Cả hai tay cũng vậy, hình như lạnh lắm và cũng không còn có cảm giác, vì ông nhìn thấy bàn tay bà đang nắm chặt tay ông mà không đủ sức để lắc cho bà biết. Ông muốn nói chuyện với bà. Nhìn khuôn mặt đã quá nhăn nheo vì tuổi già lại hằn sâu nỗi lo âu vì mình, ông thấy nhói buốt ở ngực. Ông biết mình sắp phải ra đi mãi mãi, để lại một mình bà như chiếc lá đã úa vàng lắt lay trước gió, cũng chẳng biết sẽ lìa cành lúc nào. Đó chính là điều níu giữ ông cứ ôm mãi niềm tâm sự, âm thầm chịu đựng nỗi đau, không thổ lộ với bà. Ông không muốn những ngày cuối đời cô đơn của bà phải gánh thêm một nỗi đau nào nữa. Ông chắc bà vừa chợp mắt. Thôi! Cứ coi như bà đang thức, đang nghe ông nói. Như thế có lẽ lại hay hơn. Ông vẫn có người để dãi bày mà bà thì … Hình như cái lưỡi cũng không muốn theo sự điều khiển của ông nữa. Tuy vậy, ông vẫn thều thào, môi gần như không còn mấp máy. Ký ức về buổi chiều nghiệt ngã ấy đang hiện lại mồn một trong ông.
“Chiều chập choạng đổ ập xuống bao trùm cả cánh rừng. Nhằm phía bờ sông, họ tiếp tục vạch cỏ tranh tìm lối thoát. Mười ba ngày lánh càn, luồn lách trong rừng, lương thực, nước uống đều đã cạn. Mọi người đều quá mệt, họ lặng lẽ bám sát nhau mà đi. Mùi thuốc lá thơm làm người đi đầu khựng lại: “Có địch!”. Cứ như vậy, người trước nói thật nhỏ cho người sau. Mọi người dồn lên, ẩn trong thung lũng cỏ tranh ngập lút đầu. Họ nhìn thấy bọn địch lố nhố ngay trên đầu dốc, ai nấy đều như nín thở vì giữa đám cỏ tranh trống hoác mà chúng không phát hiện ra. Hình như chúng cũng đã quá mệt mỏi. Thực hiện “Chiến lược chiến tranh đặc biệt”, Mỹ tập trung đánh vào các khu căn cứ nhằm tiêu diệt cơ quan đầu não của ta. Đợt càn lên Khánh Sơn lần này của chúng với trên một ngàn quân được trang bị vũ khí tối tân, cũng lại vấp phải sự đối phó khôn khéo của ta. Để bảo toàn lực lượng, địch dàn quân đến đâu ta rút vào rừng đến đó. Núi rừng hiểm trở lại không quen địa hình làm cho địch gặp không ít khó khăn…
Trời càng tối dần, bóng đêm loang ra như bức màn vô hình che chắn cho họ. Đành phải chờ đêm xuống khi địch đã ngủ mới có thể rút ra phía bờ sông. Trong đêm tối, tiếng xì xà xì xồ, những đốm lửa thuốc lá lóe lên ngay trên đầu dốc càng làm cho họ thấy địch đang ở gần hơn. Một tiếng động nhỏ cũng làm ai nấy giật thót mình. Nhưng làm sao có thể đảm bảo giữ được im lặng? Sự có mặt của nó, một đứa trẻ lên hai làm cho tất cả mọi người càng lo lắng. Chỉ một tiếng ọ-ẹ vô thức của nó là có thể đổi hết mạng của cả đoàn. Người mẹ cố ôm chặt con vào lòng, giữ cho nó một trạng thái yên ổn nhất trong giấc ngủ lịm đi vì đói. Chị tìm cách thoát riêng cho hai mẹ con để giữ an toàn cho cả đoàn nhưng không thể, chỉ một dấu hiệu khác thường là hàng loạt đạn sẽ đổ xuống thung lũng này.
Tiếng chân quẫy đạp cùng tiếng “hự! Hự!” trong cổ họng của thằng bé làm tất cả hoảng hốt. Tức thì có nhiều bàn tay chồm tới lắc mạnh lên vai, lên tay, lên cả chân ông. Họ sợ thằng nhỏ khóc lớn. Anh mắt của họ lúc chiều đã ngầm nhắc ông về nó làm đầu ông căng ra. Ông bấm bụng: “Ráng thêm chút nữa đi nhỏ, sắp nửa đêm rồi…”. Suốt từ chặp tối đến giờ, trong đầu ông cứ lặp đi lặp lại sự giằng co: “Không được!- Phải thế!”, “Không được!- Phải thế”…”. Tính mạng của mấy chục con người và sự sống của nó phải đưa lên bàn cân và ông là người quyết định… Oi! Nếu không vì mục tiêu bảo toàn lực lưọng của trận chống càn này, nếu được có vũ khí trong tay…
Tiếng quẫy đạp giãy dụa của thằng nhỏ lại dội lên mạnh hơn, những bàn tay bám lên vai, lên tay ông cũng lắc mạnh hơn. Cổ họng ông bật ra một tiếng nói thầm khô khốc: “Phải thế!”… Ai cũng hiểu đó là mệnh lệnh, và…
Người ta nghe những tiếng thở bật ra vì bị kìm nén. Sau đó là sự im lặng rùng rợn. Đúng hơn, đó là sự chết lặng!? Hay là cái gì nữa?… Không ai còn đủ tĩnh tâm để phân định thời khắc đó. Một sự sống nhỏ nhoi thăng hoa vào cõi vĩnh hằng để tồn tại nhiều sự sống khác mạnh mẽ hơn, cần thiết hơn cho cuộc chiến. Cái lý là như vậy!
Không có tiếng thét gào xé lòng của người mẹ mất con, không có sự vật vã, lăn lộn, không có sự giằng lại đứa con đang bị cướp khỏi tay mình. Người mẹ chỉ còn là cái xác không hồn. Nó được trả về tay mẹ khi người đã mềm oặt. Chị ôm chặt nó vào lòng rồi ngất lịm …
Cho đến bây giờ, ông cũng không biết rõ ai là người trực tiếp thi hành mệnh lệnh của ông hôm ấy, và nó đã phải lìa đời một cách oan nghiệt như thế nào. Chỉ biết: Nó bị ngạt thở mà chết… Ông không thể và không muốn biết gì hơn nữa, chỉ chừng đó đã làm ông quá đau khổ, nỗi đau thấm đến tận cùng gan ruột, ngày càng nhức nhối, âm ỉ trong ông theo thời gian dù sự sống xung quanh đang hồi sinh, dấu vết chiến tranh đang nhòa dần … Sau trận càn ấy, cũng như ông, không ai muốn nhắc lại chuyện này. Tất cả họ và cả ông đều tự an ủi, xoa dịu mình: Đó là một sự hy sinh… Còn mẹ nó, phải đến cả năm như người dở điên dở dại… Ôi! Chiến tranh! Dù có biết, người ta cũng không thể lường được hết sự hủy diệt tàn khốc của nó. Để chiến thắng, người ta phải chấp nhận mọi đau thương, mất mát, chấp nhận mọi sự hy sinh … Vẫn biết thế! nhưng với ông, nỗi đau về sự hy sinh của nó, trong sâu thẳm trái tim ông không cho phép được chấp nhận, được tự hào mà ngược lại, đó là một món nợ không bao giờ trả được …
Tiếng chuông đổ dài vọng từ một nhà thờ gần đó làm bà Tư tỉnh giấc. Bà hốt hoảng vì thấy tay ông lạnh ngắt.
- Ông Tư! Ông Tư ơi! Trời ơi! …
Ông từ từ mở mắt, ánh mắt lờ đờ vụt lóe sáng lên khi bắt gặp khuôn mặt đang dàn dụa nước mắt của bà. Ánh mắt như ngọn đèn vụt sáng trước khi tắt vừa muốn thu nhận tất cả hình ảnh của bà, vừa như còn muốn hỏi bà một điều? Bà chợt hiểu, vội cúi sát vào tai ông:
- Bà giám đốc Sở thương binh xã hội nói rằng, còn chờ ý kiến trả lời của Bộ.
Mắt ông vụt tối sẫm, đờ đẫn, vô định, hai hốc mắt sâu hoắm đọng đầy nước mắt. Miệng ông mấp máy nhưng bà không nghe được, rồi bất chợt ông bật lên nói từng tiếng ngắt quãng nhưng rất rõ ràng:
- Tôi đã đợi quyết định của … về sự hy sinh của thằng Chiến Thắng gần hai mươi năm rồi, từ sau ngày giải phóng mà vẫn … Bây giờ tôi không thể … Một ngày nào đó … Bà nhớ báo cho tôi …
* * *

Vào một buổi chiều cuối tháng 7 năm 1996, khi ánh nắng đã nhạt màu, cái nóng như nung, hầm hập của mặt đất dần dần dịu lại. Trước mộ ông Tư, bà Tư vừa cắm nén nhang vừa lẩm nhẩm :
- Ông à! Bộ Lao Động thương binh xã hội người ta đã trả lời, thằng Chiến Thắng không được công nhận là liệt sĩ vì khi chết chưa đến tuổi thành niên. Tuy vậy, từ nay gia đình nó sẽ được hưởng ưu đãi của chính quyền địa phương như đối với các gia đình chính sách khác …
Gió đồi xào xạc tràn xuống nghĩa trang, thổi bạt tàn làm lộ rõ những đốm lửa đỏ rực trên đầu những cây nhang, khói lên ngùn ngụt rồi phật thành ngọn lửa xào xào, ràn rạt … bà Tư vội quỳ xuống, hai tay run rẩy chắp trước ngực;
- Ông ơi! Ông ơi! Ông có sống khôn thác thiêng thì phù hộ độ trì cho tôi sớm được gặp ông để có bầu có bạn, khỏi phải âm dương cách trở. Đã hơn ba năm rồi, tôi cố sống vì lời dặn của ông. Hôm nay tôi đã làm tròn lời hứa với ông … Nỗi đau của ông nơi chín suối cũng là nỗi đau của tôi, của hết thảy những Con Người … song biết làm sao được, cái lý là như vậy!…
Hoàng hôn xuống dần, bà Tư thắp thêm một nén nhang lên mộ ông rồi ra về. Bóng bà liêu xiêu, đôi vai gầy đổ về phía trước. Tà áo dài của bà nhẹ bay theo chiều gió như những áng mây màu tím phía cuối trời đang cuộn vào lòng đất.

Nha Trang
15/3/99

Thứ Ba, 2 tháng 11, 2010

MỪNG NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20/11

Về lại mái trường xưa
Kính tặng các Thầy, Cô và thân yêu tặng mái trường tuổi thơ

Từ mái trường này, chúng em tung bay như những cánh chim
Góc biển, chân trời, ngọt bùi, cay đắng
Vẫn khôn nguôi nhớ về năm, tháng ấy
Dẫu bạc trắng rồi tóc cậu học trò xưa

Từ mái trường này chúng em bay xa
Nay về lại, như trái thương về cội
Như nước nhớ về nguồn
Như chim về tổ ấm
Thầy, Cô ơi! Người lái đò cần mẫn
Bến sông này bao thế hệ đã qua ?

Từ mái trường này chúng em bay xa
Đứa làm quan không cậy quyền hống hách
Đứa làm nông hiền lành, chất phác
Đứa làm thơ biết tha thiết yêu người
Đứa phận nghèo lam lũ, nổi trôi
Vẫn biết giữ một đời lương thiện

Mái trường ơi!
Từ bến bờ này ta đã đi xa
Qua bao mùa phượng đỏ
Nay trở lại bóng bàng xưa còn đó
Vẫn lặng thầm râm mát tuổi thơ
Ta bỗng ước lại được là trẻ nhỏ
Để trong ta tiếng trống trường, năm, tháng mãi rung ngân /.
Nha Trang ngày 10-4-2006
Nguyễn Chính



THÀY GIÁO CỦA EMVui tặng thày Đỗ Đình Tuân


Thày gầy như que củi
Chân như hai que tăm
Má tóp như lạc lép
Gió thổi thân đong đưa…
Dưng mà thày rất giỏi,
Đánh máy được chữ tàu
Dịch thơ Hán sang ta
Gọi là hay phải biết
Thày làm thơ lục bát,
Đọc ngọt như mía lùi
Thơ Đường cũng chẳng thua
Vừa hay vừa đúng luật.
Nhất là khi viết bài,
Giới thiệu hay phê bình
Thì thật là tuyệt chiêu
Tận chân tơ kẽ tóc.
Nhưng khi thày kê kích
Tủ đứng phải dịch ngang
Eo ôi! hi hi hi…
MH - 24/10/2010



LẮM ĐA ĐOANKính tặng thày giáo: Nguyễn Minh Tư.
Có phải cuộc đời lắm đa đoan,
Mà Thầy dạy toán lại làm thơ?
Lục bát, thơ đường đều hay cả
Văn xuôi hồi ký thật lâm ly.

Chăm dưỡng mẹ già ai sánh được.
Tổ tiên thờ phụng khó ai bằng.
Một đời dạy học nên danh giá.
Hắt bóng hoàng hôn tựa cháu con.
MH – 26/10/2010

Thứ Tư, 27 tháng 10, 2010

THUỞ BAN ĐẦU

Mới đó mà đã gần 37 năm. Ôi! thời gian...
Nói với em
Khi anh nhìn vào mắt em:
Đôi mắt em đen tròn long lanh…
Đôi mắt ấy nhìn anh
Im lặng!
Và tiếng gió khẽ lướt qua vòm lá
Và những hạt mưa xuân
Nhẹ nhàng đọng trên đôi má
Đôi má em đỏ hồng
Và những gì nghe rất trong, rất trong
Không phải tiếng anh, cũng không phải tiếng em,
mà sao gần thể nhỉ!?

Đâu phải mối tình nào cũng bắt đầu từ một đêm trăng sao.
Đâu phải mối tình nào cũng bắt đầu bằng những lới ngọt lịm.
Nhưng khi người ta yêu nhau
Thì tất cả đều trở nên rạng rỡ
Thì tất cả đều trở thành đẹp quá
Cho dù đêm đầy mây
Cho dù mưa bay
Cho dù gió thổi
Và chẳng lời ngọt lịm nào sánh nổi
Phút lặng im giữa hai đứa chúng mình.
Anh không nhìn thấy anh
Chỉ nhìn thấy em
Em chẳng nhìn thấy em
Chỉ nhìn thấy anh
Cứ nhìn vào mắt nhau
Là thấy được bóng dáng mình trong đó

Đứng trước nhau em ơi!
Hãy biết làm ngọn lửa
Của tình yêu và của cuộc đời
cháy cho bây giờ, cháy cho tương lai
Cháy cho ngắn lại tháng ngày chờ đợi
Và tóc em vẫn dài như buổi đầu con gái
Và anh vẫn yêu đời cho những tháng năm nao
Em sẽ dắt em lên hái những vì sao
Mà em thích nhất.
Em ơi em! Khi anh nhìn vào đôi mắt
Đôi mắt em đen tròn long lanh
Đôi mắt ấy nhìn anh
Im lặng!...
Và tiếng gió khẽ…
Và …
Nguyễn Chính
ĐHNN I – 12/4/1976



18 - 11
Bước vào tuổi hai mươi
(Tuổi đẹp nhất của thì con gái)
Mười chín năm rồi - Biển lặng - Lớn lên.
Em sinh ngày đất nước vẫn chia hai
Giữa Trường Sơn Ba mở đường bí mật
Đêm rừng sâu Ba thường thao thức
Đặt tên con mình.
Ba cứ muốn em là con trai
(Người lính chiến nào mà chẳng vậy).
Bởi Ba thích nên em giống Ba quá đấy
Từ khuôn mặt, dáng người đến tính nết của Ba.
Nhưng vì tóc dài nên em là: Hương
Thoảng mùi thơm đầu mùa trái ngọt.
Mười chín năm rồi có ai còn nhắc
Năm tháng tuổi thơ - Cô bé nghịch ngầm -

Anh đến bên em
Khi Nàng Bân xin cha mình cho mùa Đông trở lại.
Anh biết:
Ngọn lửa thắp từ bàn tay cô gái
Sẽ nồng nàn ấm mãi những ngày đông.
Tuổi hai mươi, Hương ơi!Em lớn lên rồi.
Đất nước Hòa bình: Con đường rộng mở.
Cho em đi những bước ban đầu.
Dù gian khổ, dài lâu.
Cô bé của anh sợ gì vất vả
Thời gian đang gọi tên em - giục giã -
Mong em từng giờ từng phút lớn lên
Nguyễn Chính - 11/1976


Mái tóc dài của anh



Buổi đàu mới biết em
Anh thích nhìn mái tóc
Rất dài và rất đẹp
Từng sợi mềm bay bay.

Khi được nâng mái tóc
Dưới mênh mông sao trời…
Ánh mắt nhìn thăm thẳm
Khuất sau làn tóc em.

Muốn được làm chiếc lược
Sáng, sáng em gội đầu
Âu yếm từng sợi nhỏ
Cho mịn màng như tơ.

Muốn được làm ngọn sả
Thơm trong nước gội đầu
Lợp vào trong mái tóc
Hương dịu dàng đắm say.

Thương lắm từng sợi nhỏ
Cứ vương vào thời gian
Ước mình có phép lạ
Giữ mãi xanh tóc nàng.

Má cho em mái tóc
Trong gian khó nhọc nhằn
Thơm trong từng giọt sữa
Là nghĩa tình mênh mông.

Mái tóc dài của em
Sẽ đẹp từng năm tháng
Dẫu gội vào mưa nắng
Vẫn xanh hoài trong anh

Nguyễn Chính - 3/1977


Những ngày ở sông Đuống
...Hương yêu! bài thơ – Đấy lại thơ – sau đây anh vừa là em, lại vừa là anh (em cứ cho phép anh được là cô bé ấy nhé), tuy nhiên, về phía em, em có quyền gạc và sửa “những câu, những đoạn” không thật đúng “ngôn ngữ”của mình.


Khi em mong thì nỗi nhớ mênh mang
Gọi về bao kỷ niệm
Và những điều thầm kín
Chưa nói được cùng anh

Mỗi sáng dậy bâng khuâng
Em nhìn về phía ấy
Chỉ thấy mây bồng bềnh,
Phủ đầy rừng núi.

Mỗi buổi chiều hoàng hôn
Em đi trong chờ đợi
Mỗi lần nghe gió thổi
Tưởng anh khẽ gọi tên mình

Và mỗi đêm trằn trọc
Em nhìn về tương lai
Tiếng gọi của đời cứ ngân trong em mãi
Như vọng về từ một nơi xa xôi.

Có bao giờ anh thấy mình vui?
Khi mùa xuân trên môi em nở rộ
Cứ “lầm lì” tính em thường thế đó
Hỡi anh chàng “ngốc nghếch” của em

Tiếng gõ cửa cũng trở thành tiếng gọi
Ánh mắt nhìn cũng trở thành giọng nói
Kỳ lạ thay ngôn ngữ của chúng mình
Chẳng ai mà hiểu nổi

***

Ngôn ngữ ấy bắt đầu từ chữ A
Và bắt đầu từ con số 1
Chữ đầu tiên và con số đầu tiên
Như tình yêu của em kết thành sự thật.

Từ vần A anh tìm ra vần H
Con sông Hương dịu mát của miền Nam
Nhớ đêm hành quân mắc võng dưới hương tràm
Ngây ngất sống giữa mùa hoa nở.

Đoạn kết anh chưa chép vào vì anh thấy chưa đạt, còn đề thì anh chịu không biết nên lấy là gì. Theo anh không cần đề hay mà chỉ cần đề đúng.
- Hợp tính nhau đó là điều vô cúng hạnh phúc -

Hè năm 1976 - Nguyễn Chính


Đến bây giờ chắc anh đã quên đoạn kết của bài thơ, tên của bài thơ cũng chưa được đặt. Nhưng cuộc sống thì vẫn cứ bộn bề, hối hả. Và đặc biệt là đã gần 40 năm rồi mà hình như họ vẫn không hợp được tính nhau. Tuy vậy cái viển vông lãng đãng trong một góc nhỏ tâm hồn của họ thì lại có nhiều nét đồng cảm lạ. Có lẽ vì vậy mà họ đã cùng nhau đi một đoạn đường khá dài, đầy trắc trở... và đang dần đến đích. Cầu mong cho một chút lãng đãng ngàn vàng ấy sẽ vẫn là điểm tựa để họ cùng nhau đi đến trọn đời.


- MH -

Thứ Tư, 13 tháng 10, 2010

SÓNG NGẦM


Truyện ngắn: Minh Hương





Bà Hiền cúi xuống đặt tay vào quai chiếc va li đã được khóa cẩn thận. Bằng động tác dứt khoát, bà nhấc hẳn chiếc va li lên khỏi nền nhà, nhưng rồi lại đặt vào chỗ cũ. Có một sức nặng nào đó níu kéo, bà không thể đứng thẳng lên được. Bà ngồi gục xuống ghế… Thế là từ sáng đến giờ đã ba lần rồi, bà vẫn không thể nào bước chân ra khỏi nhà.
Trong nhà im lặng, trống vắng quá. Trên gác, chồng bà vẫn đang mải miết với những bức họa đủ màu sắc. Cuộc sống gia đình bà từ hôm con Hòa, đứa con gái út của ông bà đi học đại học xa đến giờ vẫn thế, lằng lặng trôi đi. Bà lo thu dọn nhà cửa, cơm nước. Ông suốt ngày trong phòng vẽ. Con Hòa đã mang theo cả tiếng nói, tiếng cười trong cái nhà này đi rồi. Trước đó bốn năm, thằng Thuận, anh nó đi du học, nhà có lắng xuống, tiếng cười nói ít đi, nhưng không đến nỗi thanh lặng thế này. Đã từ lâu, ở nhà bà chỉ cười nói, chuyện trò với con gái. Giờ nó đi rồi, bà cũng muốn đi luôn. Bà muốn sống những ngày cho riêng mình. Vậy mà điều bà tưởng làm được ngay đã không dễ gì thực hiện được. Sau khi đưa con Hòa đến nhập trường, ổn định chỗ ăn ở cho nó xong, bà đã định ra đi ngay, nhưng bà còn nấn ná để biết tình hình học tập bước đầu của nó thế nào. Một tháng trôi đi nặng nề, chậm chạp. Hôm qua nhận được thư Hòa, con bé có vẻ rắn rỏi, hòa nhập nhanh với môi trường mới, nó vui vẻ lắm. Bà thấy yên tâm, con bé luôn làm cho bà vui, bà đã viết cho nó một lá thư, định đến nơi ở mới sẽ gửi.
Giờ thì Bà biết, Bà không thể đi được. Nỗi cô đơn, mòn mỏi vẫn đang gào thét trong lòng bà, dục dã bà, chất vấn bà tại sao lại thế. Bà đã đem hết tình thương cùng bổn phận của mình để làm tất cả những gì có thể cho các con bà được như hôm nay. Và cũng là để giải thoát cho bà khỏi sự ràng buộc duyên nợ với chồng mà không phải vấn bận lương tâm. Đã mười năm rồi, kể từ khi đau xót nhận ra rằng cái gia đình mà bà đang sống có đầy đủ gần như tất cả nhưng thiếu một điều. Đó là sự giao hòa trong cảm nhận cuộc sống, thiếu một tình yêu tâm linh giữa hai người. Bà luôn đắm chìm trong đau khổ. Ý muốn “Ra đi” của bà cứ len lỏi, khắc khoải trong thâm tâm, ngày một lớn dần. Bà mong đợi ngày con Hòa đi học đại học… Thế mà bây giờ thì… không thể được rồi!
Trước đó, bà đã cố gắng làm tất cả để mong muốn có sự hòa hợp, cùng chia sẻ vui buồn trong cuộc sống tinh thần của hai người. Song, càng ngày bà càng thất vọng. Cuộc sống của vợ chồng bà chỉ là bản năng, là thói quen với sự chấp nhận nghiệt ngã. Bà thèm khát được một lần ông hiểu bà nghĩ gì mà không cần nói bằng lời. Ông thì cứ im lặng nặng nề, đôi khi bất chợt nổi nóng khiến các con hoảng sợ, bà thì đau thắt tim. Gắn bó với nhau đã ba mươi năm, đến giờ bà vẫn không thể hiểu và lý giải nổi vì sao, một người như ông, một họa sĩ tài hoa, đa cảm lại có cuộc sống tình cảm đối với gia định lạnh lùng đến như vậy. Ông làm việc say mê, cho ra đời nhiều bức họa đắt giá. Ngoài những lúc đắm chìm trong phòng vẽ, ông giành thời gian giao tiếp bạn bè, rất ít thời gian chăm sóc vợ con. Tranh của ông thiên về mô tả, phác họa những xung đột trong cuộc sống. Tuy vậy, một số bức trang vẽ về đàn bà hết sức tinh tế. Có một điều, tuyệt nhiên chưa bao giờ ông giành dù chỉ là một vài nét phác họa về cuộc sống gia đình, một bức chân dung về bà và các con. Nhưng dù sao, ông đã là một họa sĩ có tiếng, những bức vẽ của ông ngày càng mang lại thu nhập đáng kể cho gia đình. Bà biết thế, tại sao bà vẫn…? Bà gục đầu xuống bàn, đôi vai nhẹ rung trong tiếng nấc…
Bà choàng tỉnh. Ông đang ngồi trước mặt bà, chỉ cách một cái bàn nhỏ, bàn tay phải với những ngón thon dài, trắng xanh đang vê mấy sợi râu lởm chởm trên cằm. Hình như ông ngồi như vậy đã lâu, mắt đăm đăm nhìn về phía bà. Khi bà ngẩng đầu lên, ông giật mình, nhìn vào khuôn mặt còn đang thảng thốt của bà, luống cuống hỏi:
- Mình làm sao thế, Mình định đi đâu đây?
Môi bà run run nhưng không nói được thành lời. Có cái gì đó đang dồn nén, chẹn ngang cổ. Bà ngước mắt nhìn ông rồi lại nhìn xuống đất, chỗ đặt chiếc va li, từ trong khóe mắt, hai dòng lệ lặng lẽ chảy dài trên gò má đã gợn những nếp nhăn. Ông vẫn kiên nhẫn với dáng ngồi không thay đổi, nét mặt thể hiện sự nhẫn nhịn bà chưa thấy bao giờ. Thường ngày với bà, ông luôn là người nóng nảy. Sự nhẫn nhịn của ông lúc này giúp bà mau trấn tĩnh lại. Bà nói ngắt quãng:
- Mình ạ, con Hòa đi rồi, tôi thấy buồn quá. Tôi định về quê sống với người bạn từ hồi còn học phổ thông. Bà ấy bây giờ đang sống một mình, chồng chết sớm ở vậy nuôi con. Bây giờ con cái đều có vợ, có chồng và ở xa. Bà ấy không chịu ở với đứa nào vì không muốn xa nơi chôn rau cắt rốn của mình… Còn tôi, ngần ấy năm cũng đã sống cho chồng, cho con. Bây giờ chúng nó đi hết rồi, Mình thì cứ suốt ngày bên giá vẽ… Tôi muốn có ít thời gian cho riêng mình. Ở quê, tôi không còn ai ruột thịt, về ở với bà bạn già chắc sẽ khuây khỏa phần nào…
Một cơn đau nhẹ thít vào tim, bà đưa tay phải xoa vào vùng ngực trái, hít một hơi thở thật sâu, bà chậm chãi nói tiếp, giọng nói đã đều đều trở lại.
- Tôi định ra đi lặng lẽ, không cho Mình biết. Tôi đã để lại vài dòng trên giấy kia. Tôi nghĩ, việc tôi đi hay ở đối với Mình không quan trọng gì, dù sao tôi cũng đã làm xong bổn phận của mình, các con rồi đây chúng cũng có cuộc sống riêng. Nhưng tôi đã không thể bứt được mình ra khỏi nhà. Các con sẽ nghĩ sao? Nay mai thằng Thuận sẽ về. Rồi chẳng mấy chốc con Hòa cũng sẽ tốt nghiệp đại học. Còn Mình nữa, nếu tôi đi thì mình sẽ sống thế nào?... Thế mới biết, để sống cho riêng mình thật là khó, tôi đã quen lo toan, thu vén cho gia đình rồi, vậy nên cứ luẩn quẩn mâu thuẫn với bản thân mình đến là khổ… Mình ơi! Tôi thật sự mệt mỏi và cô đơn…
Nước mắt bà lại chảy dài, nhỏ xuống vạt áo màu tím cẩm. Ngay lúc này, bà cũng không hiểu sao bà lại nói được nhiều thế, hình như là nói cho ngần ấy năm bà thường nín lặng. Hai tay bà run run nắm chặt vào nhau. Gian phòng im phăng phắc, có lẽ cả ông và bà chỉ nghe tiếng đập thình thịch của tim mình. Ông vẫn ngồi bất động, nét mặt không biểu lộ cảm xúc… Rồi bất chợt, ông nhỏm dậy với tay nâng tách trà rót vào ly, bưng ly nước hớp một ngụm, nuốt từ từ. Một tiếng thở dài nhè nhẹ hắt ra từ lồng ngực của ông. Giơ tay vuốt nhẹ mái tóc đã có nhiều sợi bạc, để lộ một vầng trán thanh cao, ông nhíu mày nói rất nhẹ, nhẹ lắm, hình như là nói với lòng mình. Bà hơi ngỡ ngàng, giọng nói của ông lúc này thật lạ, chẳng bù cho thường ngày luôn gay gắt, khó chịu.
- Tôi biết, tôi đã không dành được cho Mình tình yêu trọn vẹn. Đó là điều day dứt tôi suốt mấy chục năm chung sống với Mình. Tôi cũng đã cố gắng nhiều lắm để bù đắp cho Mình và các con, đó là cần mẫn, chăm chỉ làm lụng, lo cho gia đình ta có được cuộc sống đủ đầy. Tôi nghe được những tiếng thổn thức, cảm được nỗi xót xa thầm lặng trong lòng Mình mà không làm thế nào để an ủi, xoa dịu và biết rằng nếu có làm cũng chỉ làm cho tôi và Mình càng thêm đau khổ… Thế nhưng, tôi chưa bao giờ nghĩ mình lại có ý muốn ra đi lạ thường như thế!? Mình hãy nghe tôi nói đây, và đừng cho là tôi muốn huyễn hoặc Mình. Tôi thật sự cảm ơn sự hy sinh, nhẫn nhịn, phụng sự chồng con của Mình. Tôi giờ đây được công thành danh toại một phần không nhỏ là nhờ có Mình chăm sóc tôi và các con chu toàn. Nhưng Mình ạ, điều mà tôi cứ âm thầm chịu đựng, không muốn chia sẻ với Mình vì sợ Mình buồn lại chính là nguyên nhân dẫn đến bi kịch của chúng ta hôm nay. Bây giờ đã muộn, dù không muốn, tôi cũng phải nói ra mong có thể vớt vát được những gì cho những tháng năm còn lại chăng?!... Ngày ấy, khi mười tám tuổi, như bao chàng trai khác, tôi vào bộ đội. Chiến tranh đang trong thời kỳ ác liệt. Ngày nhập ngũ, người bạn gái thân thiết của tôi đã tiễn tôi với đôi mắt đẫm đầy nước mắt. Một chiếc khăn tay có thêu đôi chim đang quấn quýt bên nhau và dòng chữ thêu chỉ đỏ “Son sắt thủy chung” được trao từ tay nàng sang tay tôi khi xe chở tân binh chuyển bánh. Nàng nói với theo trong tiếng nấc: “Em chờ anh…”. Tôi đã mang trong tim mình hình ảnh người yêu như thế ra chiến trường. Trong túi áo ngực của tôi lúc nào cũng ấp ủ, gìn giữ chiếc khăn tay nàng tặng. ở chiến trường, người lính phải chịu đựng gian khổ, thiếu thốn, bom đạn, thương vong nhưng tôi vẫn hy vọng. Tôi luôn nhớ về nàng. Những lúc tạm được nghỉ ngơi, tôi thường phác họa chân dung của nàng, khi thì trên mặt đất, lúc thì mặt trong của bao thuốc lá. Đôi khi có được trang giấy với cây bút chì mộc tôi đã vẽ đi vẽ lại nàng đang đứng trước cổng, bên hàng rào dâm bụt, tóc xõa dài vương theo chiều gió, mắt xa xăm đang dõi về phía trước ngóng đợi… Chiến tranh kết thúc, tôi cũng không hiểu do số phận hay nhờ niềm tin về tình yêu mà mình đã may mắn còn lành lặn trở về. Trong túi ngực vẫn ấp ủ chiếc khăn tay nàng tặng đã chuyển màu cùng thời gian, từng thẫm đẫm mồ hôi, nước mắt của tôi hơn sáu năm trời. Nhưng tất cả, mãi mãi chỉ là những kỷ niệm… Nàng đã lấy chồng, có con… Tôi cay đắng, đau khổ, điên loạn và thù hận. Trái tim tôi gào thét… Thật lạ lùng là tôi không thể oán giận nàng để kết tội nàng đã phản bội tình yêu. Chiến tranh mà, nàng là phận gái… Thế nên, âm hưởng của nàng, hình bóng của nàng không thể xóa nhòa trong tâm khảm của tôi…
Ông lại giơ tay vuốt ngược mái tóc để lộ vầng trán thanh cao. Nhìn sâu vào mắt bà. Bà cúi xuống, tránh cái nhìn của ông, như muốn giục ông nói tiếp.
- Cho đến khi gặp Mình, qua ánh nhìn trực diện của cô gái mười chín tuổi có đôi mắt đen sáng long lanh khiến tôi có dự cảm đó sẽ là điểm tựa cho một cái gì đó… Chúng mình yêu nhau, rồi cưới nhau như có một định mệnh. Lúc đó tôi lại thấy ngập tràn hạnh phúc. Tôi nghĩ cuộc đời đã đền bù cho tôi lấy được Mình. Thâm tâm tôi muốn đem lại cho Mình thật nhiều hạnh phúc. Xót xa thay, tôi sống bên Mình, muốn toàn tâm toàn ý chăm lo hạnh phúc gia đình mà hình ảnh người yêu xưa không thể phai mờ, cứ sống động trong tôi. Những bức tranh về đàn bà tôi vẽ, không ít thì nhiều đều có hình bóng nàng trong đó. Chúng đều được bạn bè tán thưởng. Tôi cũng đọc được ánh mắt thán phục, xen lẫn hờn ghen của Mình khi ngắm những bức tranh đó. Sự mất mát của mối tình đầu đã làm tâm tính tôi đổi khác. Nó khắc nghiệt, khô khan, nhiều lúc trở nên vô tình với cuộc sống xung quanh. Tôi cũng không hiểu nổi bản thân mình, cứ mãi đắm chìm trong cái ham muốn ích kỷ của mình là vẽ và vẽ…
Bàn tay với những ngón thon dài, trắng xanh của ông lại với về phía giữa bàn, từ từ nâng ly nước. Nuốt nhẹ ngụm nước chè, ông xoa tay lên vùng ngực trái rồi dịu giọng nói tiếp:
- Tôi thật có lỗi với Mình. Việc Mình sửa soạn định lặng lẽ ra đi hôm nay đã thức tỉnh tôi. Mình nói về quê sống với người bạn gái, nhưng tôi biết Mình về đó còn vì một người. Người đó hơn ba mươi năm trước đã yêu Mình lắm. Nhưng sự dun dủi của số phận đã đẩy Mình đến với tôi làm bạn trăm năm. Điều khiến tôi phải day dứt là đã không yêu Mình được như Người ấy. Phải chăng giờ đây Mình muốn đi tìm một thứ quý giá mà biết rằng sẽ không thể tìm được…?
Bà giật mình khi nghe ông hỏi đúng điều mà bà cũng đã nhận ra từ lâu. Bà nhìn ông thăm dò, nước mắt lại tuôn rơi, bà không thể kìm được những nỗi niềm đang trào dâng lên trong lòng. Ông im lặng để bà khóc, khóc được sẽ vợi đi nỗi buồn, nỗi đau trong sâu thẳm trái tim mình. Mãi rồi bà cũng lặng dần. Bà hít một hơi dài, chậm rãi nói:
Hôm nay Mình đã giúp tôi hiểu được ngọn nguồn để lý giải về cái vách ngăn vô hình giữa chúng ta. Lâu nay, tôi chỉ biết thầm trách cho số phận của mình duyên thì có mà tình thì không. Thật lạ là những lúc hờn tủi như thế, kỷ niệm xưa của tôi với Người ấy hay dội về bất chợt, khiến tôi có những liên tưởng vu vơ. Như có một tiếng gọi thiết tha từ một miền sâu thẳm trong tâm thức cứ thôi thúc tôi. Tôi thấy mình được an ủi phần nào, nỗi buồn trong tôi dịu lại. Đã bao lần tôi tự hỏi mình, chẳng lẽ hơn nửa đời người còn đi tìm cái không thể tìm lại được sao?...
Một nụ cười thoảng qua trên môi bà, đôi mắt buồn chớp nhẹ. Ông chợt nhận ra bà còn rất trẻ so với tuổi năm mươi của bà. Ông quả đã không lầm khi cảm nhận ánh nhìn trực diện từ đôi mắt đen sáng long lanh của bà ngay lần đầu mới gặp, sẽ là điểm tựa cho một cái gì đó. Ngày ấy, ông không phân định được. Còn bây giờ, ông hiểu đó là điểm tựa cho cả cuộc đời và sự nghiệp của ông.
Bà nhẹ nhàng đứng dậy, không nhìn ông, bà nói nhỏ:
- Tôi thấy đau đầu, muốn đi nằm một chút. Mình cất giùm tôi va ly vào buồng nhé.
Bà Hiền nằm liền một tuần. Ông lóng ngóng lo cơm nước cho mình và thuốc thang cho vợ. Tạm thời dứt mình khỏi giá vẽ, ông tất bật ra vào thật tội nghiệp. Đã lâu rồi, gần như là từ khi lấy bà, bây giờ ông mới lại phải làm những việc quá thường nhật này. Cũng may, bà có nhiều bạn bè, họ thường đến thăm hỏi, đỡ đần…
Đúng ngày rằm tháng đó, bà Hiền thấy người tỉnh mỉnh hơn. Khi hoàng hôn xuống, bà nói với ông:
- Ngần ấy năm chúng mình lấy nhau, sống giữa thành phố biển nên thơ như thế này mà chưa một lần cùng nhau ngắm biển. Mình thấy có lạ không? Hôm nay, tôi muốn chúng mình ra với biển, được không Mình?
Ông lặng lẽ nhìn bà rồi gật đầu…
Gió từ biển thổi vào bờ mát lạnh làm bay bay chiếc khăn màu tím bà quàng ngang cổ. Chiếc khăn này ông tặng bà hồi mới quen nhau, thi thoảng bà mới lấy ra quàng. Khi hai người ngồi xuống dải cát mịn màng còn mang hơi mặn của sóng thủy triều, cũng là lúc trăng từ từ nhô lên khỏi mặt biển. Tiếng sóng vỗ nhè nhẹ. Một vùng sáng lóng lánh như dát bạc lan tỏa trên mặt biển tạo khoảng không vừa lung linh, vừa huyền ảo. Hai người cùng im lặng, mải đắm chìm với suy nghĩ của riêng mình, Hình như lúc này đây, trước cảnh đẹp kỳ diệu của biển trong đêm trăng tĩnh mịch, họ mới cùng cảm nhận hết được hàm ý của câu ngạn ngữ “Biển lặng thường có sóng ngầm”. Phải chăng cuộc đời mỗi người cũng như mặt biển kia, ngay cả khi phẳng lặng, hiền hòa, nên thơ là thế, mà sâu thẳm trong lòng nó vẫn tiềm ẩn những con sóng ngầm bớt chợt có sức tàn phá khôn lường. Bất giác, bà Hiền cảm thấy trong người nhẹ nhõm lạ thường, những đợt sóng dữ dội trong lòng đang dần dần lắng lại. Bà nhìn sang bên cạnh, ông đang hít sâu hương vị mặn nồng của biển, lặng lẽ nắm tay bà xiết nhẹ …

Nha Trang – 10/8/1996

Thứ Năm, 26 tháng 8, 2010

Chiều mưa

Dựng chiếc xe máy vào góc nhà, để chiếc cặp giáo án lên bàn, Thanh bước đến trước gương đưa tay vén lại mái tóc bị gió lùa loà xoà trước trán cho thành nếp, cô mỉm cười với mình. Dường như không cảm nhận được điều gì từ khuôn mặt phờ phạc trong gương, Thanh cố mỉn cười một lần nữa, nhưng chẳng có gì vui vẻ hơn bởi đôi mắt cứ rười rượi kia. Thở dài đánh thượt, cô quay lại xách giỏ thức ăn chiều xuống bếp và nhớ lời Tiến thường nói: "Mắt em buồn như chiều mưa".



Nghe tiếng động biết mẹ về, hai chị em Tuyết - Tùng đang xem ti vi trên gác vội ào xuống tranh nhau khoe:
- Mẹ ơi! Có thư ba.
Thằng Tùng láu táu chạy chạy lên phòng khách cầm thư xuống.
- Chúng con chưa bóc thư đâu, đợi mẹ về đấy!
Thấy mẹ không tỏ vẻ vui mừng gì, hai đứa nhỏ xìu xuống. Không đành lòng, Thanh cầm thư bóc ra.
- Thư ba gửi cho các con đây, mang lên nhà đọc, còn thư của me, tối mẹ đọc.
Trên nhà vọng xuống tiếng hai đứa trẻ:
- Tùng để chị đọc, cả hai chị em mình cùng nghe!
- Ứ ừ, em đọc trước cơ, chị đọc một tí chị lại khóc nhè, em ứ chịu đâu!

-
Thanh
thở dài, bần thần nghĩ lung bung, nước sôi gần cạn mới nhớ là chưa cho rau vào luộc, nồi thịt kho nghe mùi khét mới giật mình bắc xuống. Bưng mâm cơm lên lại thấy bé Tuyết đang úp mặt vào tường thổn thức. Thằng Tùng đang ngồi so trên ghế vội sà đến bên Thanh nhỏ nhẹ:
- Mẹ ơi! Ba sẽ về đón chúng con sang Tiệp nhưng tết này ba chưa về được.
Thanh gật đầu:
- Chắc ba bận, nếu không ba sẽ về.
Tùng nhào vào lòng Thanh, vòng tay qua cổ mẹ thì thầm:
- Ba viết ở cuối thư là: Các con thơm mẹ cho ba...
Thanh ôm Tùng vào lòng thơm lên má nó.
- Con gọi chị Tuyết dậy ăn cơm...
Hôm sau, Thanh nằm bệt gần như hết ngày. Lần trước cũng vậy, thư Tiến gửi về, sau khi đọc cô thấy người bải hoải, váng vất. Nằm đến xế chiều, sau khi uống ly sữa, cô trở dây đi lại dọn dẹp trong nhà cho khuây khoả. Có tiếng gõ cửa, Tùng chạy ra.
- A! Chào chú Ngọc, sao chú biết mẹ cháu ốm mà đến thăm?
- Thế mới gọi là chú Ngọc chứ, chú thơm cháu một cái nào. Có quà cho các cháu đây: tập truyện tranh này cháu thích không? Còn bộ xếp hình cô tiên là của chị Tuyết.
- Cháu cảm ơn chú Ngọc.
Tùng ôm quà chạy lên gác với chị. Ngọc quay lại, Thanh đang ngồi trên ghế. Mặt cô nhợt nhạt, đôi mắt buồn sâu thẳm nhưng vẫn gợi lại những nét thanh tú, huyền thục trên khuôn mặt.
- Sao đó Thanh?
- Em hơi mệt, sao anh biết mà đến?
- Vừa bước vào nhà nghe cu Tùng hỏi thế nên bịp nó vậy chứ anh có biết gì đâu. Cũng lâu, hôm nay anh mới lại thăm mẹ con em. Tiến có gửi thư về không?
- Hôm qua mới nhận được thư, em buồn quá.
- Anh biết thế nào em cũng nói vậy, thế mà bạn bè rủ đi chơi em có chịu đâu. Đừng tự hành hạ mình như thế, ở bên ấy Tiến tự do chơi bời hết bồ này đến bồ nọ, biền biệt hai ba năm mới về một lần. Đã vậy, cả năm mới viết về nhà có vài lá thư. Anh sợ Tiến không muốn về Việt Nam nữa kìa. Còn em, định làm đá vọng phu thời này chắc?
- Anh nói đúng, thư anh ấy nói sẽ về bán nhà để trả nợ, lấy vốn làm ăn lại từ đầu rồi đón mẹ con em sang ấy...
- Em tin thế à? Vậy lỡ bán nhà xong làm ăn lại thua lỗ, nợ nần thì em nghĩ sao? Lúc ấy liệu Tiến có thể đón mẹ con em sang đó không?
- Em không biết mình có tin nữa không, gần mười năm qua những lời hứa của Tiến với em đã quá nhiều. Có điều, chính em cũng muốn bán nhà này, đổi nhà khác nhỏ hơn để ở, vốn còn lại vợ chồng tìm cách làm ăn ngay tại thành phố này. Chỉ ngại Tiến không chịu về ...
- Tiến sẽ không chịu vì theo cậu ấy phải bán nhà để trả nợ mà. Mấy năm nay Tiến có gửi về cho mẹ con em đồng nào đâu, may còn có tiền cho thuê nhà, nếu không lấy gì sinh sống. Thôi, đừng nói chuyện này nữa, ta đi dạo một lúc cho khuây khoả, em cứ thu mình trong nhà như thế này không được đâu.


Ngọc cầm tay Thanh kéo cô đứng dậy, hơi thở của anh làm mặt cô nóng bừng. Thanh muốn ngã hẳn vào vòng tay của anh, nhưng cô đã gắng rút được tay mình ra khỏi bàn tay đang nắm chặt của anh và ngã ngồi xuống ghế. Không để Ngọc kịp buông lời trách, vừa thở Thanh vừa nói:
- Anh Ngọc, anh là bạn của Tiến, em mong anh hiểu ... Được anh thường đến thăm thế này là mẹ con em đỡ buồn nhiều lắm rồi. Bọn trẻ càng lớn càng không thích mẹ chúng đi chơi với đàn ông. Thấy ai có vẻ áy náy cho hoàn cảnh của mẹ khi nhắc đến ba là chúng tỏ vẻ khó chịu, như vậy là nói xấu ba của chúng. Còn em bây giờ như người vô cảm, chẳng muốn định đoạt cái gì. Tuy vậy em vẫn phải mong và hy vọng Tiến sẽ về...


Thanh lật quyển sổ trên bàn đưa cho Ngọc lá thư đang viết dở, nhoè nước mắt của con Tuyết gửi ba nó: "Ba ơi! Bầu trời thật là mênh mông nhưng ở đâu cũng có, còn ba của con thì chỉ có một mà thôi. Hàng trăm phép nhiệm màu của các bà tiên cũng không làm sao đếm hết được nỗi nhớ và tình thương của chúng con với ba đâu. Tại sao ba không về với mẹ và chúng con như ba của các bạn hở ba?..." Ngọc nhìn sâu vào mắt Thanh:
-Anh hiểu! Rất hiểu! Song dù vậy, anh vẫn thấy hy vọng của em thật mong manh ...
Sau khi cánh cửa khép lại, còn lại một mình, Thanh ngồi lặng trong nỗi suy tư không dứt. Cô nhìn lại khắp lượt trong nhà: cũng xe máy, tivi màu, máy catset, tủ lạnh, máy giặt ... Đâu đến nỗi nào! Và hơn tất cả là có ba mẹ conï Thanh đang sống. Vậy mà Tiến lại cho rằng giờ đây anh chỉ còn "cái nhà rỗng tuyếch cần phải bán". Phải chăng đó là lý do cuối cùng để anh cắt luôn sợi dây ràng buộc hờ hững của anh với gia đình hiện nay? Vậy mà trong thư Tiến còn viết: "... Chẳng lẽ, một người vì miếng cơm manh áo cho gia đình, phải sống tha phương nơi xứ người như anh lại mất quyền được nhận tiếng gọi "Ba" của các con mình hay sao?...". Cô rất muốn tin đó là nguyện vọng thiết tha của anh cũng như muốn được chia sẻ với anh những khó khăn thua lỗ trong việc làm ăn buôn bán ở bên ấy như anh vẫn thường nói. Còn những đồn đại khác về Tiến từ bạn bè thì sao? Cô không muốn nghe và không muốn tin. Làm sao cô có thể quên những năm tháng đã từng sống bên anh, được anh yêu thương, chăm sóc. Nhưng tất cả những điều muốn và không muốn ấy chỉ là theo ước vọng của cô, còn sự thật làm sao có thể biết chắc chắn khi cô đang ở cách xa Tiến một phần tư trái đất... Trời ơi! Nếu như ngày ấy cô đừng quá giản đơn cho rằng hạnh phúc và giàu có là một thì giờ đây cô đâu phải đau khổ, day dứt...


Thanh đến bên cửa sổ. Trời đang mưa sụt sùi. Phố xá vắng vẻ, chỉ có hàng cây bên đường đang lặng lẽ đầm mình dưới mưa. Những chiếc lá bàng như những bàn tay xoè ra đón những hạt mưa li ti, rồi rả ríc thả xuống vạt nước đọng dưới gốc cây. Những bong bóng nước trong veo lừ lừ đuổi nhau hết lớp này đến lớp khác, để sau đó chỉ trong tít tắc tất cả đều tan ra thành nước ... Thanh cứ nhìn xoáy vào những bong bóng nước ấy và chợt nghĩ: chẳng lẽ hạnh phúc mà cô và Tiến hằng mơ tưởng, đuổi bắt cũng chỉ là những bong bóng giọt mưa kia thôi sao? Tim Thanh lại nhói lên bởi câu hỏi của con Tuyết trong lá thư viết dở: "Tại sao ba không về với mẹ và chúng con ...

". Cũng đã lâu, cô thường không trả lời mỗi lần nhận thư Tiến, cô muốn phó mặc buông xuôi tất cả. Nhưng giờ đây, vì các con của mình cô sẽ lại viết thư gọi ba của chúnh trở về dù biết đó là một hy vọng mong manh. Thanh quay vào bàn lấy giấy bút ra, một ý nghĩ chợt đến: Thật lạ! Những bong bóng nước vô tình kia lại đem đến cho mình một ý nghĩ sâu sa... , hơn thế nữa cô vẫn tin Tiến sẽ trở về.

Đôi mắt "buồn như chiều mưa" của Thanh chảy dài những giọt lệ như muốn cùng tuôn chảy với muôn ngàn hạt mưa đang xối xả trong cơn mưa chiều nay.


Nha Trang- 1997


Thứ Năm, 19 tháng 8, 2010

Lắng



Găp nhau rồi chia tay.
Người về, em ở lại.
Lệ lặn sâu đáy mắt
Nói thay lời rưng rưng.

Ôi! Tri ân cuộc đời.
Phút giây này hội ngộ,
Cô thày và bè bạn,
Tóc bạc gần như nhau.

Chỉ mấy ngày ngắn ngủi,
Ta nối lại vuông tròn
Đất trời thêm rộng mở
Suốt dặm dài tháng năm.

Nắng ấm mừng gặp gỡ,
Chia tay mưa ngậm ngùi
Lắng sâu vào nỗi nhớ
Về miền ký ức xưa.


MH - 20/8/2010

TẢNG BĂNG CHÌM


Theo lời hẹn, khoảng 2 giờ chiều ngày 10/8/2010, tôi ra khỏi nhà. Ghé qua cửa hàng, tôi mua một ít bánh kẹo rồi đến thẳng Câu lạc bộ Hoa Biển. Đang họp với Ban quản lý dự án trung ương (nơi quản lý trực tiếp CLB Hoa Biển) ở trên tầng ba, nghe báo tôi tới, chị Phúc – chủ nhiệm Câu lạc Bộ vội vã xuống ngay. Vẫn dáng vẻ điềm đạm, chị vui vẻ gật đầu chào tôi rồi mang ra một xấp phong bì đã có đánh tên của các bé theo danh sách chị đã gửi cho tôi mấy hôm trước. Tôi lấy tiền ra và hai chị em bỏ vào phong bì. Chúng tôi chuẩn bị đón các cháu bị nhiễm HIV có hoàn cảnh khó khăn đang sống tại thành phố Nha Trang.


Chuẩn bị vào năm học mới, chúng tôi rất quan tâm về việc đến trường của các cháu nhỏ đang bị nhiễm HIV, những nạn nhân đặc biệt của đại dịch HIV/AIDS (vì bị lây nhiễm từ bố mẹ và còn rất nhỏ). Các cháu sẽ đến lớp như thế nào, sinh hoạt, học tập ra sao, có bị kỳ thị, xa lánh không, …? Những câu hỏi đó dường như không có câu trả lời rõ ràng mà tùy thuộc vào từng hoàn cảnh cụ thể. Tuy vậy, việc chúng tôi có thể làm được là giúp các cháu một phần quà rất nhỏ (từ nguồn hỗ trợ của Chương trình 1044) để hỗ trợ các cháu mua sách vở, áo quần vào năm học mới. Lần này chúng tôi mời 8 cháu, trong đó có 5 cháu có kết quả xét nghiệm dương tính.

Đến giờ hẹn, các cháu lần lượt được gia đình đưa tới. Nhìn các cháu ngây thơ, hồn nhiên, và rất lễ phép, lòng chúng tôi thắt nghẹn. Các cháu sẽ còn được sống bao lâu nữa, sẽ được đến trường bao lâu nữa? không thể trả lời một cách chính xác. Chỉ biết rằng, với sự nỗ lực của gia đình, của xã hội và tác dụng hỗ trợ của thuốc kháng virut, hy vọng sự sống của các cháu sẽ được cải thiện, được duy trì lâu hơn. Dù vậy, chúng tôi vẫn rất ái ngại với hoàn cảnh hiện tại của các cháu. Mỗi cháu một hoàn cảnh, nhưng chung quy lại vẫn là các cháu đang mang trong mình một căn bệnh mà ai nghe đến cũng đều kinh hoàng, hoặc mất cha, hoặc mất mẹ, hoặc còn cha mẹ nhưng đều đang bị nhiễm HIV, sức khỏe yếu, không có việc làm, phải sống dựa vào ông bà nội, ngoại. Có cháu còn bị bán thân bất toại. Đăc biệt, hai cháu Nguyễn Thị Trâm và Nguyễn Thị Trúc Quỳnh mẹ mới bị chết do bệnh AIDS, không nhà cửa, phải sống với cha trên bãi rác thành phố, cả 2 bé chưa được đến trường vì cha cháu không có tiền. Hiện nay chị Phúc đã thuyết phục cha cháu tạm đưa các cháu về ở với ông bà, và đang vận động tài trợ để đưa các cháu đến trường.

Nhìn cháu Thảo Vi rất xinh xắn, trắng trẻo nhưng hơi gầy trong bộ váy màu hồng, năm nay vào học lớp 3, là cháu lớn nhất trong 8 cháu, tôi hỏi về chuyện nhà trường, cô giáo và bạn bè có đối xử bình đẳng với cháu không, thì được mẹ cháu cho biết: Nhà trường không biết cháu bị nhiếm HIV. Hôm trước cháu chạy nhảy ở sân trường bị ngã, chảy máu ở đầu gối, cháu đã biết lấy bông băng cá nhân mẹ chuẩn bị cho để tự lau vết thương cho mình. Mẹ cháu rất sợ con mình vô tình lây nhiễm cho cô giáo và các bạn, nhưng không dám nói thật về bệnh của cháu. Khi hỏi đến các cháu khác cũng vậy, nhà trường đều không biết các cháu bị nhiễm HIV, nếu biết chắc chắn các cháu không được nhận vào học. Chúng tôi cũng chưa biết sẽ giúp hai cháu Trâm và Quỳnh được đi học như thế nào nếu kết quả xét nghiệm của các cháu dương tính. Vì bà xơ ở trường mẫu giáo tư thục chỉ đồng ý nhận cháu học miễn phí nếu các cháu có kết quả xét nghiệm âm tính.

Trong khi chúng tôi và gia đình các cháu nói chuyện với nhau về những khó khăn trong cuộc sống hiện nay của họ, thì các cháu vui vẻ ăn bánh một cách ngon lành, các cháu còn quá nhỏ, làm sao có thể hiểu được gánh nặng cuộc đời các cháu đang đè lên vai ông bà, là những người đã hết tuổi lao động, vì bố mẹ các cháu đã qua đời hoặc vì bệnh mà không lo nổi cho cuộc sống của chính mình. Khi bé Nhã mới đến, nghe bà nội cháu nói cháu đang ho, tôi sờ trán thì thấy cháu hơi hâm hấp. Tôi hỏi đã cho cháu uống thuốc chưa, bà nói mới cho đi bác sĩ khám và đã uống thuốc. Ông bà nội Nhã phân công nhau, bà lo việc khám, cho uống thuốc những khi cháu bệnh, còn ông nội thì cho cháu uống thuốc kháng virut hàng ngày. Việc uống thuốc kháng virut phải thực hiện đúng giờ và đều đặn, thường xuyên liên tục. Thế mà ông nội cháu lại bị bệnh thần kinh, khi có gì tức giận là quên hết mọi thứ. Vậy nhưng cũng may là ông chưa quên việc cho cháu uống thuốc bao giờ. Chúng tôi không khỏi ái ngại. Ai có thể dám chắc là ông sẽ không quên trong những ngày tháng tiếp theo. Ông bà nội cháu sẽ ngày một già. Mẹ cháu đã chết vì AIDS, cha thì đang ở tù…

Dù luật pháp đã quy định không được kỳ thị với người nhiễm HIV, nhưng thực tế thì như vậy. Chúng tôi cũng chưa biết sẽ giúp cho các cháu và gia đình như thế nào để các cháu được xã hội quan tâm chia sẻ mà không phải dấu mình như hiện nay. Nếu không được gặp các cháu và bố mẹ các cháu ở đây, hẳn tôi cũng như mọi người đều không biết họ đang bị HIV. Nghe mợ của bé Thanh Đức kể lại: một hôm bé bị té, giập trán xuống sàn nhà, máu chảy đầy mặt, gia đình sợ quá, vội mang đến bệnh viện cấp cứu. Khi băng bó, sát trùng cầm máu, thấy bé dễ thương, kháu khỉnh quá, cô y tá đã nựng nịu và định thơm lên má cháu, mợ cháu sợ quá vội la lên: “ Kìa cô, mặt cháu đang dính đầy máu …”.
Cô y tá dừng lại cười, chỉ béo nhẹ vào má bé. Còn cậu mợ bé thì thở phào. Bản thân những người bị HIV khác, cũng như những người thân trong gia đình của họ đều có ý thức không muốn để lây lan bệnh cho cộng đồng. Nhưng vì sợ bị kỳ thị, phải dấu mình nên họ rất khó chủ động xừ lý khi có những tình huống bất ngờ có thể để lại hậu quả lây nhiễm cho cộng đồng.

Chia tay các cháu, chào chị Phúc và chị Mười, tôi ra về. Nhớ lại buổi tập huấn đầu tiên về HIV/AIDS (hồi đó còn gọi là SIDA) cách đây gần hai mươi năm, tôi thật sự giật mình về hiệu ứng TẢNG BĂNG CHÌM của căn bệnh này. Nếu nhà nước chỉ hô hào là không được kỳ thị với người nhiễm HIV mà không có những chính sách đặc biệt, phù hợp thì dù đã được quy định bằng văn bản pháp luật, việc khả thi rất hạn chế và thiếu hiệu quả. Không chỉ ở việc bảo vệ cộng đồng, ngăn chặn lây nhiễm mà cả việc nhận sự hỗ trợ, giúp đỡ của cộng đồng đối với người bệnh cũng rất khó khăn. Vì chính bản thân người bệnh còn phải dấu mình, làm sao nhận được sự chia sẻ của cộng đồng?

Ghi lại, ngày 19/8/2010


Thứ Hai, 16 tháng 8, 2010

Hồng Nhung

Ông đi dọc theo bờ biển, ngược chiều gió. Mái tóc hoa râm bay loà xoà xuống trán. Áo sơ mi mỏng dán lên khuôn ngực còn nở nang vạm vỡ. Bầu trời xám xịt, ngoài khơi vẫn mịt mù, gió bắc thổi từng cơn. Sóng biển ào lên tung bọt trắng, liếm vào bờ xoá đi dấu chân ông vừa để lại trên cát. Hình như ông chẳng để ý gì đến sự hoang dã của biển cũng như sự hiện diện đơn độc của mình trên bờ biển chiều nay. Nhưng kia, phía trước nơi kè đá, lại vẫn cô gái trẻ tóc cắt ngắn như con trai đang đứng nhìn hút ra tít ngoai khơi. Dáng đứng bất động. Sự chờ đợi của cô gái khiến ông phải chú ý. Cô xuất hiện như thế đã ba buổi chiều liên tiếp. Ông không biết cô có hẹn với ai, chỉ thấy hôm nào cô cũng lặng lẽ quay về một mình với dáng vẻ buồn buồn xa vắng.

Vượt lên phía bờ cao, ông ngồi vào chiếc ghế đá dưới dặng dừa, nhìn ra mặt biển đục ngầu và thả hồn mình theo dòng suy tư không dứt. Những ý nghĩ miên man đã trở thành điệp khúc lại rạch vào trí não ông, khắc sâu thêm những nỗi đau đời trong ông. Hơn hai mươi năm binh nghiệp, bom đạn như chê xương thịt của ông, chẳng thèm đếm xỉa đến. Mặc dù vậy, ông đã chịu đựng gian khổ lăn lóc vật lộn nơi chiến trường, đổ biết bao mồ hôi, sức lực và hiến cả quãng đời trai trẻ vào chiến tranh. Đất nước thanh bình, ông chuyển ngành làm giám đốc một công ty dịch vụ sản xuất nông nghiệp. Ông vốn là người không ham hố, tham vọng, chỉ chân chất cống hiến cho lý tưởng mà mình đã chọn. Vậy mà, năm mươi tám tuổi ông phải về hưu, mất hết cả danh dự, sự nghiệp. Ông không ngờ cuộc đời lại bạc với mình như vậy. Trống trải, buồn tẻ, ông chuyển đến đây sống một mình, chiều chiều ra biển ngồi suy ngẫm chuyện đời…

Lác đác vài giọt mưa, ông đứng dậy ra về, lúc này mới nhận ra trời đã tối. Nhưng lạ quá nơi kè đá, cô gái cũng từ từ bước xuống bờ cát rồi lướt đi như bay ra phía mặt biển đang có từng đợt sóng xô nhau ập vào bờ. Thoáng đã thấy cô cách bờ hơn chục thước. Hình như cô không biết bơi. Ông biết biển ở đây dốc lắm, chỉ một sải tay nữa cô gái sẽ chìm. Ông chỉ kịp bứt tung chiếc áo khoác vứt trên bờ, tụt dày nhảy ào xuống nước. Lôi được cô gái vào bờ, ông vừa thở vừa la lối: “ Cô có điên không, ai lại đi tắm biển như thế, hay muốn chết hả? …” . Cô gái run lập cập nhìn ông với đôi mắt vô hồn rồi ngã người đi ngất lịm. Ông luống cuống nhìn xung quanh định gọi người cấp cứu, nhưng bờ biển đã bị bóng tối bao trùm, tịnh không một bóng người, mưa bắt đầu nặng hạt. Với chiếc áo khoác quấn vào người cô gái, ông ôm xốc cô chạy về nhà…

Cô gái tỉnh lại, ông mừng quá, miệng cứ lẩm bẩm: “Thật là dại dột, tại sao cháu làm thế ?”. Cô gái nhìn quanh, ngồi bật dậy, hất chiếc chăn mỏng sang một bên. Mùi dầu nóng nồng nặc, cô nhìn xuống thốt bật cười vì mình đang lọt thỏm trong bộ quần áo đàn ông. Thấy cô cười, ông bỗng nổi giận. Tính ông vốn thế, nóng nảy, chẳng để gì trong bụng cả: “Cơm áo bố mẹ nuôi cô lớn để cô đền đáp như vậy hả, cô tưởng cứ chết là hết chứ gì? Bây giờ cô có còn muốn chết nữa không để tôi lại đem cô vứt ra biển …”. Thoạt đầu cô gái im lặng nhìn ông, nghe ông nói, trên khoé miệng còn đọng lại nụ cười, nhưng rồi bỗng cô oà khóc nức nở: “Cháu không bao giờ muốn chết, cảm ơn bác đã cứu cháu thoát khỏi bàn tay của thần biển hôm nay”. Ông dịu lại: “Thế thì tại sao?” . “Cháu nhìn thấy mẹ cháu đang gọi cháu ở ngoài khơi”. Ông nhìn lại cô gái, cố tìm một dấu hiệu nhỏ của người tâm thần, nhưng không, trước mặt ông là cô gái tuổi mười tám, mười chín, nét mặt thanh tú, mắt sáng long lanh ngấn lệ. Cô vẫn đang thổn thức, giọng nói chìm trong tiếng nấc. “Mẹ cháu mất lúc cháu năm tuổi. Trong ký ức của cháu, mẹ thật đẹp, hiền dịu biết nhường nào. Cháu nhớ mãi buổi chiều ấy, mẹ gấp nhiều đồ chơi bằng giấy, trong đó có một chiếc thuyền thật to cho cháu. Mẹ hôn cháu nhiều lắm và đưa cho cháu mảnh giấy và dặn: “Cha về đưa cho cha, mẹ ra suối tắm”. Mải mê với đồ chơi mới, chập tối cha về hỏi cháu mới ngẩn ra. Đọc xong mảnh giấy, ông chạy bổ ra suối tìm nhưng chỉ có chiếc chậu đựng mấy bộ quần áo của cháu đã được giặt sạch để trên bờ. Nước suối trong vắt, chảy xiết … Ai cũng nghĩ mẹ cháu bị chết đuối mất xác. Riêng cháu, sau này lớn lên cháu biết, mẹ không phải chết đuối. Mảnh giấy bà để lại cháu nghĩ là những dòng tuyệt mệnh. Cháu chẳng biết bà viết gì mà ngay sau khi đọc, cha cháu nhai và nuốt luôn. Ngoài hai cha con, không ai biết chuyện này. Cháu đến tuổi đi học thì hết chiến tranh. Cha cháu đưa về đây sống và nói là quê nội, nhưng họ hàng thân thích chẳng còn ai … ngày giỗ mẹ gần đây nhất, cha cháu đã khóc và nói: “ Cha có lỗi lớn với mẹ con và đã không được bà tha thứ, khi cha ân hận thì đã quá muộn. Mọi cố gắng của cha nuôi con ăn học, không nghĩ đến cuộc sống của riêng mình là để chuộc lại lỗi lầm, mong sao mẹ con nơi chín suối bớt phần tủi phận …” . Sau đó, ông lâm bệnh và qua đời. Điều an ủi lớn nhất với cháu là trước khi chết, ông còn kịp biết cháu thi đậu đại học Tổng hợp Hà Nội”.

Ngoài trời mưa càng nặng hạt, tiếng giọt mái hiên chảy lạch tạch mau dần. Tiếng sóng biển ầm ào vọng vào nhà cùng tiếng gió hú ù ù. Ông thoáng nghĩ đến người vợ quá cố của mình. Ông cũng có lỗi với bà nhiều lắm, nhưng bà đối với ông thật nhân hậu. Thấy ông đăm chiêu, giọng cô gái nhỏ lại: “Bác có tin người chết chỉ có thể xác tiêu tan còn phần hồn mãi mãi tồn tại không? Hồn người chết không phải ai cũng gặp được mà chỉ những người thân yêu nhất mà thôi. Cháu tin thế vì luôn thấy mẹ về trong những giấc mơ. Mẹ cháu mất không tìm thấy xác, cháu cứ nghĩ: Trăm suối đổ về sông, trăm sông đổ về biển, thế nào mẹ cháu cũng đang ở đâu đó dưới lòng biển sâu thẳm. Sắp đến ngày cháu tựu trường bước vào đời sinh viên, trước lúc đi xa cháu muốn được gặp mẹ trên bờ biển quê hương. Mấy hôm nay, chiều náo cháu cũng đứng đó nhìn ra xa khơi thầm gọi mẹ. Thật là kỳ diệu, tối nay lúc những hạt mưa lất phất rắc sao trên mặt biển, cháu đã thấy mẹ trong ánh hào quang lung linh đang giơ tay đón cháu. Nhưng một con sóng dữ dằn đã lại dìm cả hai mẹ con cháu. Nếu không có bác thì …” .

Ông nhìn đăm đăm vào mắt cô gái như xác định một điều gì đó. Nào ai có thể nghĩ, với gương mặt còn quá trẻ của cô, trong tâm hồn lại có những ý nghĩ thật lạ lùng, thật thiêng liêng như thế. Ông đã từng nghe nhiều chuyện ma quỷ thần thánh chẳng bao giờ ông tin và nghĩ đó là chuyện tầm phào, bỡn cợt. Vậy mà chuyện xảy ra hôm nay của cô gái khiến lòng ông rưng rưng. Không biết có sóng từ trường nào thu nhận được khoảng khắc gặp nhau của hai mẹ con cô tối hôm nay không, chứ ông thì tin chắc chắn trong tâm não của cô đã phát ra luồng thăng hoa đó …

***

Ông nằm trên giường, tay run run bóc phong thư người ta vừa chuyển tới. Một bức điện tín: “Sinh nhật ba con về - Con: Hồng Nhung.” Ông thấy người nhẹ bỗng như trút hẳn được cơn bệnh đang hành ông mấy ngày nay. Ông nghĩ: “Thế là nó không giận mình, nó sẽ về. Nó không nhắc, mình chẳng nhớ đến sinh nhật”. Kể từ buổi tối trên bãi biển hôm ấy, thấm thoát đã năm năm. Hồng Nhung luôn đem đến cho ông những bất ngờ lý thú. Dù đi học xa, năm nào cô cũng về hai lần vào dịp tết và dịp hè trùng với ngày giỗ cha. Lần nào về cô cũng đến ở với ông, dành nhiều thời gian cho ông, cùng ông đi dạo hoặc đến thư viện. Ở trường, Hồng Nhung thường gửi thư cùng truyện hay về, đọc nhiều ông càng thấm thía sự đời. Ngày mãn tang cha, Hồng Nhung xà vào lòng ông: “Con muốn được là con gái của ba …”. Ông thật sự xúc động, một người đang tuổi xế bóng, lẻ loi như ông, đó quả là hạnh phúc trời cho. Tâm hồn ông được xoa dịu, bớt đi nỗi cô đơn. Ông thầm cảm ơn cuộc đời còn thương ông. Hồng Nhung là cô gái nhảy cảm, tế nhị. Hình như cô luôn đọc được nỗi buồn của ông và biết cách làm cho ông khuây khoả. Phải chăng cuộc sống bên người cha khổ hạnh đã tạo nên nét đẹp tinh tuý đó trong cô. Bởi vậy, tình cảm ông dành cho cô không chỉ là tình cha con mà còn là tình bạn tâm giao. Ông đã từng nghĩ, Hồng Nhung là bông hoa hạnh phúc mà cuộc đời trả lại cho ông theo đạo lý ở hiền gặp lành. Vậy mà, sau chuyện xảy ra cách đây nửa năm, Hồng Nhung không có thư về. Dạo đó, khi cô tốt nghiệp, ông lặn lội đến một số công ty có người quen để xin việc cho cô, nhưng đến nơi nào họ cũng hẹn ông “Để xem xét”. Ông đang buồn thì Hồng Nhung lại nói ý định của mình: “Con muốn vào thành phố Hồ Chí Minh vì trong ấy có nhiều cơ hội xin việc hơn. Con tin vào vốn ngoại ngữ của mình. Điều quan trọng nhất là con cần tìm một người thân trong ấy. Về chuyện ba xin việc cho con qua người quen mà không có điều kiện gì, con nghĩ khó được lắm. Ở đời chẳng có gì cho không đâu ba. Bạn bè của ba ngoài mấy bác đã nghỉ hưu thỉnh thoảng đến chơi, con có thấy ai nữa đâu …” . Ông bỗng tức giận, gằn giọng cắt ngang lời cô: “Thôi! Đừng nói nữa”, rồi ông bỏ lên giường nằm thở hắt ra. Hồng Nhung đã chạm vào điều bấy lâu nay đang âm ỉ, đau đáu trong ông. Vừa hơi tự ái cho rằng Hồng Nhung dạy khôn mình, ông vừa chạnh lòng vì cuối cùng thì cô cũng bỏ ông mà đi. Vậy là ông làm mặt giận cô hai ngày, cô chỉ im lặng buồn buồn rồi xin phép ông đáp tàu vào thành phố Hồ Chí Minh. Cô để lại cho ông vài dòng: “… Con thành tâm xin lỗi ba vì đã làm ba buồn. Nhưng điều con nói là từ chính nỗi đau của mình. Cha con vì quá say sưa với con đường tiến thân thuận lợi của mình, đã chẳng chút lưu tâm đến mối đe doạ hạnh phúc gia đình mà mẹ con đã đôi lần than thở. Khi mẹ con mãi mãi không về, ông mới thực sự thấu hiểu vì sao lão giám đốc Nông trường lại “tốt” với mình như vậy …”

Hồng Nhung đi rồi, ông có cảm giác mất mát như khi đứa con trai của ông bỏ nhà đi biệt. Ông chưa kịp hỏi người thân cô cần tìm trong đó là ai nhưng cứ nghĩ đến ông lại thấy buồn. Có thể cô sẽ không về nữa. Trước đây ông thường nghĩ đến những thua thiệt về công danh sự nghiệp, bây giờ ông mới thấm thía nỗi cô đơn của mình. Khi còn sống, vợ ông thường nhìn ông thở dài: “Không biết đến bao giờ ba nó mới có chút ít thời gian để chăm sóc gia đình”. Đối với bà, cái “bao giờ” ấy mãi mãi chỉ là sự mong mỏi vì bà bị bệnh tim đã sớm về cõi vĩnh hằng. Hồi ấy, ông còn mãi mê với công việc của công ty. Nhưng rồi công ty làm ăn thua lỗ, buộc phải giải thể. Ông bị quy là thiếu trách nhiệm, để bộ máy lãnh đạo công ty lũng đoạn. Ông im lặng chấp nhận vì nghĩ, đó là cái giá phải trả cho sự ấu trĩ, quá tin người của mình. Đúng lúc này, giữa ông và đứa con trai độc nhất của mình thường xảy ra xung đột. Nó đã đến tuổi trưởng thành, học xong đại học bách khoa, chưa xin được việc làm. Tệ hại nhất là nó nói ông thoát ly cuộc sống gia đình, là người cha ích kỷ … Giận quá, ông đòi từ mặt nó. Thế là, nó theo bạn vào thành phố Hồ Chí Minh làm ăn và tuyên bố sẽ tự lập, không cần thừa hưởng bất cứ cái gì của ông. Thực ra ông cũng không có cái gì để nó thừa hưởng, ngoài quãng đời cống hiến cho hai cuộc kháng chiến của đất nước. Năm ngoái, ông hỏi thăm biết nó đang làm thợ sửa chữa điện tử ở Quận ba nhưng không rõ địa chỉ cụ thể. Ông có ý định đi tìm con, ngặt nỗi cứ đau bệnh hoài. Nhớ lại có lần Hồng Nhung tâm sự : “Cha con nói: Trong muôn vạn nỗi bất hạnh nhân gian thì nỗi bất hạnh không có gia đình là lớn nhất”, ông càng xót xa cho tuổi già hưu quạnh của mình … .

Đến bên đốc lịch, ông dò tìm. Hôm nay là thứ bảy, ngày hai ba tháng mười một. Ngày mai ông tròn sáu mươi lăm tuổi. Đã ba phần tư cuộc đời, mà cũng có thể là một đời. Nếu ông gặp lại được con trai, dù nó có còn giận ông, còn trách cứ ông… dù thế nào ông cũng mãn nguyện ….
Có tiếng chuông ngoài cổng, ông gượng dậy nhìn ra: “Nó về rồi, nhanh quá!”. Có một thanh niên về cùng Hồng Nhung. Cổng vừa mở, cô lao vào ôm chặt lấy ông, rồi buông ra lùi lại hai bước chân. Mặt cô tươi rói nhìn ông rồi đưa mắt về người thanh niên:
- Ba! Ba có nghĩ hôm nay mình có niềm vui bất ngờ không?
Ông sững sờ.
- Trời ! Thằng Phúc! Thằng Phúc!…
Phúc bước tới gục vào vai ông.
- Ba! Chính con cũng thực sự bất ngờ. Hồng Nhung chỉ nói sẽ đưa con về thăm ba nuôi của mình.
Ông choàng tay kéo Hồng Nhung lại, ôm chặt hai người vào ngực mình. Mái đầu bạc trắng của ông cúi xuống phủ lên hai mái đầu xanh, họ dìu ông vào nhà, đỡ ông nằm xuống. Ông nắm chặt tay con trai mình ngẹn ngào.
- Ôi! Hồng Nhung! Hồng Nhung!…
Nước mắt ông thành dòng, chảy dài xuống gối.

Nha Trang
28/02/1997